15 năm trước, Nghị quyết Trung ương 5 ra đời, chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hôm nay nhìn lại, có thể phấn khởi nhận thấy những thành tựu mà TPHCM đã đạt được qua nhiều mặt như xây dựng môi trường văn hóa, hoàn thiện thể chế thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy các di sản văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển hệ thống thông tin đại chúng, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển văn học nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn hóa mới cho người dân. Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, có thể nhận ra nhu cầu thực tại của đời sống hiện nay đã vượt qua những gì đã đạt được và đang đặt ra nhiều đòi hỏi mới cao hơn, rất bức thiết, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống.
Với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, thời gian qua đã hình thành ở thành phố cũng như ở các địa bàn khác trên cả nước một hình thái điển hình trong cuộc sống bản ngã cũng như trong quan hệ giao tiếp của chúng ta: bên cạnh những biểu hiện tích cực, tiến bộ, tốt đẹp lại thường kè cặp những biểu hiện lạc hậu, tiêu cực, xấu xa, lắm khi ác độc.
Đó là hiện tượng cùng lúc tồn tại đan xen nhau giữa những ý thức và hành động trái chiều nhau, giữa chân - thiện - mỹ với giả - ác - xấu, Nhiều trường hợp chúng lồng vào nhau, cùng tồn tại trong một hiện tượng, một sự kiện, hoặc trong một tổ chức, một con người. Hiện thực có tính hai mặt ấy của đời sống, làm nảy sinh trong tư duy cũng như tình cảm của nhiều người cả hứng khởi lẫn lo âu, cả tin tưởng lẫn phân vân…
Văn học nghệ thuật (VHNT) - một thành tố cốt lõi của văn hóa, có sứ mệnh nổi bật và có điều kiện tối ưu ươm đúc tình yêu, nghĩa tình cùng nhân cách sống của con người, để từ đó hình thành cơ chế văn hóa con người, trong đó tình thương, lòng tin, cái đẹp và nhân phẩm được nuôi dưỡng và tôn sùng.
Với vai trò là động lực nền tảng hình thành đạo đức xã hội, nhân cách con người đồng thời còn là yếu tố cốt lõi hình thành con người có tư chất phù hợp với cuộc sống mới trong điều kiện đặc thù của văn hóa đô thị gắn với nếp sống thị dân. Thị trường VHNT - đầu ra sống còn của tác phẩm VHNT và là địa đầu quan trọng trong mối quan hệ giao tiếp giữa tác phẩm với công chúng, nói chung chưa được quan tâm đúng mức, phần nào bị thả nổi giữa cơ chế thị trường tự do. Hệ lụy của hiện trạng này thật hiển nhiên: VHNT thiếu điều kiện quảng bá, khó thể phát huy sức mạnh chức năng của mình trong việc đem đến cho xã hội những món ăn tinh thần hữu dụng.
Nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tương ứng với quy mô cũng như nhịp độ phát triển đô thị đặc biệt như TPHCM, đòi hỏi khách quan và bức thiết là phải thiết lập vai trò quản lý, dẫn dắt, định hướng sát sao của nhà nước đối với hoạt động VHNT. Để quản lý, định hướng theo đúng yêu cầu, con đường ngắn và hiệu quả nhất là cần nghiên cứu đầu tư xứng đáng, trong thời gian phù hợp, cho các loại hình VHNT cốt lõi. Bên cạnh việc tiếp tục củng cố, mở rộng công cuộc xã hội hóa, nhà nước cần có chính sách cấp kinh phí đầy đủ, có chọn lọc để tăng nhanh và đúng hướng sự phát triển đối với các bộ môn nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh và sâu trong xã hội. Bên cạnh đó, cần cải tiến, tăng cường mạnh mẽ công tác khen thưởng tác giả và tác phẩm (đặc biệt chú trọng các yếu tố đề tài, nhân vật trung tâm, khuynh hướng sáng tác) nhằm đạt tới mục tiêu định hướng. Hiệu quả định hướng cũng sẽ được gia tăng, khi công tác lý luận phê bình và tuyên truyền báo chí được tăng cường, vào cuộc thường xuyên và đúng mức.
Thành phố của chúng ta đang được xây dựng, phát triển để trở thành đô thị lớn hiện đại, mang đậm dấu ấn nghĩa tình. Văn học nghệ thuật thành phố có chức phận thiêng liêng đóng góp vào tiến trình vinh quang đó, ươm mầm và lan tỏa sâu rộng tình yêu cùng nhân cách sống, góp phần đem lại hạnh phúc cho mọi người.
PGS-TS TRẦN LUÂN KIM