Hôm nay 9-1, ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam, niềm tự hào của các thế hệ học sinh, sinh viên (HS-SV) qua các thời kỳ cách mạng. Suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp HS-SV được ươm mầm từ ghế nhà trường, trở thành những “rường cột của nước nhà” và nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng đất nước.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hơn lúc nào hết càng phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn nhân lực này mà bắt đầu từ HS-SV, coi đây là vấn đề trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực chính để đào tạo người thanh niên trong thời đại mới, trở thành người có ích cho xã hội, sống có lý tưởng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa (nay là TP Hồ Chí Minh) là nơi hình thành ngày truyền thống HS-SV Việt Nam. Ngày này cách đây 65 năm, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức cho HS-SV biểu tình đòi trả tự do cho những HS-SV bị bắt và mở lại trường học. Anh sinh viên Trần Văn Ơn là người đi đầu đoàn biểu tình đó, bị giặc Pháp sát hại trong cuộc đàn áp đẫm máu. Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh sinh viên Trần Văn Ơn, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2-1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9-1 hàng năm làm ngày truyền thống HS-SV. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ HS-SV Việt Nam đã kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đi trước.
Nói đến truyền thống HS-SV Việt Nam là nói đến truyền thống hiếu học, say mê nghiên cứu để vươn tới những đỉnh cao khoa học, là nói đến lớp thanh niên sống có lý tưởng, có hoài bão, có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Điểm nổi bật của HS-SV ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là khi bờ cõi bị xâm lược, các bạn trẻ đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, yêu độc lập, tự do một cách mạnh mẽ và hào hùng - động lực tinh thần vô cùng to lớn để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Phát huy truyền thống đó, Hội Sinh viên Việt Nam phát động phong trào “Sinh viên 5 tốt” (Đạo đức tốt-Học tập tốt-Thể lực tốt-Kỹ năng tốt-Hội nhập tốt) và nay trở thành phong trào có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi sinh viên. Sinh viên coi đó là tiêu chí phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân để phát triển toàn diện, từ đó hội nhập vào sự phát triển của đất nước.
Để ươm mầm những “sinh viên 5 tốt”, rất cần tạo ra môi trường cho sinh viên thể hiện mình bằng những hoạt động bổ ích, phong phú và sáng tạo. Từ thế hệ này tới thế hệ khác, rất đông HS-SV được ươm mần từ ghế nhà trường đã đứng vào hàng ngũ Đảng CSVN, sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm nòng cốt ở đơn vị, hạt nhân phong trào, luôn đi tiên phong vượt mọi gian khó trên các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần có chiến lược tuyển chọn những “sinh viên 5 tốt” để bồi dưỡng, giáo dục, phát triển Đảng, đưa vào diện quy hoạch cán bộ dài hạn.
Cách đây 15 năm, TPHCM chủ động xây dựng chương trình quy hoạch cán bộ trẻ từ sinh viên đại học. Những năm sau này, hàng trăm sinh viên xuất sắc được TPHCM đưa đi nước ngoài đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Rất đông sinh viên sau khi tốt nghiệp được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh chủ chốt, đứng đầu ở các địa phương, đơn vị, sở-ngành. Đây là một trong những chương trình nổi bật, mang tính đột phá và gặt hái nhiều thành công trong công tác xây dựng Đảng ở TPHCM. Tuy nhiên so với thực tế, công tác này còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Thử nhìn lại chính mình, nếu hôm nay chúng ta làm không quyết liệt, không quy hoạch, kết nạp Đảng những “sinh viên 5 tốt” ở độ tuổi 20-23 thì nhiều năm tới, thành phố không thể có nhiều cán bộ “chất lượng cao” tuổi 30 ở cấp quận-huyện và 35 ở cấp thành phố, nhất là đối với cán bộ nữ.
Do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra cho Đảng bộ các nhà trường là cần phân loại và bồi dưỡng sinh viên ngay từ năm thứ nhất để xem xét kết nạp trong các năm tiếp theo. Các trường tính toán thời gian phù hợp đối với các khóa đào tạo và đặc thù đối tượng sinh viên, chủ động nghiên cứu, điều chỉnh điểm học tập phù hợp trong thang điểm quy định với điều kiện đào tạo theo tín chỉ hiện nay, đồng thời để khuyến khích sinh viên tích cực tham gia các hoạt động tập thể.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có cơ chế, chính sách riêng mang tính đặc thù để kết nạp những “sinh viên 5 tốt” vào Đảng, có nhiều cơ hội được tiếp nhận vào công tác, làm việc tại các cơ quan nhà nước sau khi ra trường. Trong nhiệm kỳ tới, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ TPHCM, trước hết là Đảng bộ các trường đại học là đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển Đảng trong “sinh viên 5 tốt”, coi đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, vừa thường xuyên vừa cấp bách trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Chỉ có ươm mầm tốt mới thu hoạch được nhiều trái tốt.
Tuấn Sơn