Ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới

Sáng 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

(SGGPO).- Sáng 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án do Chính phủ trình. Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên tập trung vốn cho việc xây dựng đường tuần tra biên giới. “Đây công trình đầu tiên trong danh mục được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tôi rất, rất quan tâm đến việc này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự sốt ruột. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với việc bổ sung vốn cho các công trình xây dựng bệnh viện, nhưng chỉ ra rằng có sự khập khiễng trong số liệu thống kê về số giường bệnh trên một vạn dân.

Cũng trong các lĩnh vực xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: “Lần này không thấy bổ sung vốn cho các công trình giáo dục, trong khi theo tôi biết thì số công trình dở dang cũng rất nhiều. Tôi đề nghị lần sau phân bổ vốn nên quan tâm thích đáng đến lĩnh vực này”.

Đồng tình cao với việc bổ sung vốn để hoàn thành công trình luồng sông Hậu, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển và một số ý kiến khác đề nghị rà soát lại việc bố trí vốn dự phòng quá lớn cho công trình này; cụ thể là cắt giảm bớt khoản dự phòng và chuyển khoản này để hoàn thiện đường tuần tra biên giới.

Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tình hình thu ngân sách năm 2013 khả quan hơn dự tính, cụ thể là sẽ không hụt thu 65.000 tỷ đồng. “Như vậy chúng ta sẽ có thêm khoản tiền này chưa bố trí và thẩm quyền quyết định sử dụng vào đâu là thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi đề nghị Ủy ban cho định hướng là dành một phần khoản này cho các công trình còn đang dở dang mà chưa có nguồn chi để hoàn thiện”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng phát biểu. Tuy nhiên, sau đó Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, việc không hụt thu đồng nghĩa với việc sẽ giảm bội chi và như thế “không có nguồn tiền khác để bố trí nữa”.

Về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về đối tượng áp dụng luật này. Đa số tán thành quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, hợp tác xã như dự thảo luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng các đối tượng khác như cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh, các cơ sở đào tạo.

 “Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh không phải đăng ký vốn pháp định để hoạt động sản xuất kinh doanh, việc kinh doanh của các đối tượng này còn ở quy mô nhỏ, đa số không thực hiện tốt về chế độ kế toán, tài chính nên khó quản lý, thanh lý tài sản. Khi các đối tượng này mất khả năng thanh toán thì việc xử lý nợ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Các cơ sở đào tạo hoạt động hiện nay không thành lập theo Luật Doanh nghiệp nên việc thành lập, hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể các cơ sở này được điều chỉnh theo Luật Giáo dục, khi giải quyết các vấn đề trên còn liên quan đến chính sách đối với học sinh, sinh viên. Do đó, Ủy ban đề nghị quy định như dự thảo”, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Về chế định Quản tài viên - một vấn đề đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định: “Luật Phá sản hiện hành đã quy định Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành Luật, chế định này còn nhiều bất cập. Ủy ban Kinh tế xin đề nghị quy định Thẩm phán chỉ định một Quản tài viên thực hiện việc quản lý tài sản. Quản tài viên này có quyền thuê cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính phủ sẽ rà soát lại đội ngũ luật sư, kiểm toán viên… có kinh nghiệm để đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên ngay sau khi Luật Phá sản được thông qua để đảm bảo khi luật có hiệu lực thi hành thì có đội ngũ Quản tài viên”.

Về thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan đến phá sản tổ chức tín dụng và tách thành một chương riêng (Chương VIII) trong dự thảo luật. Theo đó, Tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng sau khi có kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ phá sản tổ chức tín dụng.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục