(SGGPO).- Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay (15-5), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Trong những ngày qua, Việt Nam đã đối thoại ở nhiều cấp độ với Trung Quốc để phản đối mạnh mẽ việc nước này đưa giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc vẫn điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực”.
Ông Lê Hải Bình thông tin: Từ ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 được hộ tống bởi nhiều phương tiện, hạ giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Liên tiếp trong những ngày qua, Việt Nam đã liên tục đối thoại, giao thiệp với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm phản đối Trung Quốc. Đáp lại sự giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, phía Trung Quốc tiếp tục hành vi sai trái của mình, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực giàn khoan. Đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì sự hoạt động của nhiều tàu các loại với sự hỗ trợ của máy bay quân sự trong khu vực của giàn khoan Hải Dương - 981. Trong khi các tàu công vụ của Việt Nam vẫn hạn chế thì Trung Quốc lại cho nhiều tàu ra biển, dùng vòi rồng phun vào tàu Việt Nam, đâm vào tàu gây hư hại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 cùng toàn bộ tàu, máy bay ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn hành động tương tự. Việt Nam trân trọng cảm ơn các nước, các tổ chức, cá nhân đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Cảm ơn báo chí trong nước, quốc tế đã đưa tin trung thực, khách quan về tình hình trên biển Đông”.
Cũng tại cuộc họp báo, người phát ngôn Lê Hải Bình đã trả lời hàng loạt các câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước về những diễn biến hiện nay liên quan đến căng thẳng trên biển Đông.
Phóng viên: Chúng ta có đặt cấp độ cho sự kiềm chế này không và Việt Nam đang ở cấp độ nào?
- Ông LÊ HẢI BÌNH: Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc tế để phù hợp với tình hình, tùy vào các diễn biến thực tế, Việt Nam sẽ có những phản ứng tương tự, phù hợp.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam và Philippines đã lôi kéo các nước ASEAN và các nước khác vào tình hình tranh chấp ở biển Đông. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đó là những phát biểu không có cơ sở. Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN, các Bộ trưởng đã ra tuyên bố riêng về biển Đông. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm cũng như những quan ngại của các nước về tình hình biển Đông. Cho đến lúc này Việt Nam vẫn kiên trì các biện pháp ngoại giao, hoà bình giải quyết vấn đề. Việc thông tin kịp thời của Thủ tướng đã khiến dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này. Trong thời gian tới, tuỳ vào thời điểm và diễn biến thực tế, lãnh đạo Việt Nam sẽ có những lên tiếng về vấn đề này.
Kể từ sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thì đã có thêm cuộc điện đàm nào không? Các hoạt động hợp tác hai bên có bị gián đoạn hay không?
- Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại với Trung Quốc với nhiều cấp độ, nhiều phương tiện khác nhau về hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam luôn coi trọng đối tác, hợp tác hữu nghị toàn diện với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng, quan hệ giữa hai bên chỉ có thể phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau cũng như cùng nhau giải quyết các bất đồng. Rõ ràng, các hoạt động sai trái của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chính trị cũng như lòng tin của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Qua các thông tin vẫn thấy sự va chạm như bắn vòi rồng, húc tàu. Vậy chiến thuật của Việt Nam ở vùng đó là như thế nào?
- Cho dù sử dụng chiến thuật gì thì Việt Nam sẽ dựa trên nguyên tắc là kiên trì và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi biển Đông. Đồng thời cũng hết sức kiềm chế vì Việt Nam phản đối việc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.
Việt Nam đã đưa vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển Việt Nam ra Liên hiệp quốc chưa và có tính tới việc kiện Trung Quốc ra Toà án quốc về việc này?
- Ngày 7-5, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên hiệp quốc công hàm phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án quốc tế là biện pháp hòa bình và tất cả biện pháp hòa bình đều có thể sử dụng. Việt Nam ưu tiên đàm phán thương lượng nhưng không loại trừ bất cứ biện pháp nào.
Chính phủ Việt Nam có gửi đến thông điệp nào tới người dân để tránh ảnh hưởng do kích động?
- Chúng tôi cho rằng, việc thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền là quyền hết sức chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên việc thể hiện này phải theo đúng pháp luật và theo đúng tinh thần hữu nghị trên thế giới.
Liên quan đến việc người Việt Nam ở nước ngoài biểu tình ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều nước. Bộ Ngoại giao đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, dù ở trong hay ngoài nước đều trăn trở về chủ quyền đất nước. Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước trân trọng và hết sức xúc động với chia ngọt sẻ bùi của đồng bào ta ở nước ngoài.
Có thông tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã sang Bắc Kinh để đàm phán. Nếu đúng thì kết quả làm việc thế nào? Đại sứ Trung Quốc đã về nước từ tháng trước, vậy nước này đã bổ nhiệm đại sứ mới hay chưa?
- Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã thăm Trung Quốc từ ngày 13 đến ngày 15-5, trong chuyến đi này, tôi hiểu rằng hai bên trao đổi thẳng thắn các vấn đề hai nước. Hiện Thứ trưởng chưa về đến Việt Nam. Khi nào có thông tin, chúng tôi sẽ thông báo sớm. Đại sứ mới của Trung Quốc đã có mặt tại Hà Nội ngày 11-5. Hiện Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng đang xúc tiến cho đại sứ sớm trình quốc thư tới Chủ tịch nước để thể chính thức làm việc.
THÀNH NAM