Ngày 5-7, tại TPHCM, Bộ Công thương cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có buổi họp nhận định về xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2012. Gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt không chỉ với gạo cấp thấp của Ấn Độ, Myanmar mà còn với gạo cấp cao của Thái Lan, khi lượng gạo tồn kho của họ lên khoảng 12 triệu tấn do chính sách mua giá cao của Chính phủ Thái Lan với nông dân.
Ưu tiên lợi ích của nông dân
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ mới đây với tổ điều hành xuất khẩu gạo đã đặt ra mục tiêu ưu tiên hàng đầu từ nay đến cuối năm là tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân vụ hè thu và thu đông 2012, dự kiến khoảng 3,3 triệu tấn gạo hàng hóa.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ xác định, giá trị xuất khẩu gạo có thể giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) có thể thấp hoặc hòa vốn, nhưng lượng gạo xuất khẩu năm nay phải đạt từ 7 triệu tấn trở lên để đảm bảo việc tiêu thụ lúa hàng hóa để bà con có lời, ít nhất cũng ở mức tối thiểu. 6 tháng đầu năm các DN đã xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo trong số 5,2 triệu tấn đã ký hợp đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao VFA chỉ đề nghị tạm trữ 500.000 tấn gạo hè thu thay vì 1 triệu tấn như đề xuất ban đầu của Bộ NN-PTNT, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong lý giải, đông xuân là vụ lúa có sản lượng lớn, thu hoạch tập trung, lượng gạo hợp đồng ký xuất khẩu gối đầu từ cuối 2011 và đầu năm 2012 thấp (cả quý 1 chỉ xuất khẩu 1,087 triệu tấn) nên cần phải mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giá không bị rớt xuống thấp, nhằm bảo đảm lợi nhuận của bà con.
Trong khi hè thu 2012, thời vụ thu hoạch rải đều và kéo dài, số lượng gạo đã ký xuất khẩu khá cao (còn 1,87 triệu tấn sẽ giao) và còn tiếp tục ký thêm thời gian tới nên chỉ cần mua 500.000 tấn để giúp việc tiêu thụ lúa gạo trên thị trường dễ dàng hơn khi vừa mua tạm trữ vừa mua để xuất khẩu. Nếu diễn biến chưa thuận lợi vẫn có thể mua tạm trữ tiếp.
Nhận diện các thị trường
Giá thành bình quân vụ hè thu ở ĐBSCL là hơn 3.900 đồng/kg, thấp nhất là Kiên Giang, khoảng 3.200 đồng/kg, những tỉnh còn lại 3.700 đồng, 4.000 đồng thậm chí 4.500 đồng/kg như Tiền Giang. VFA cho rằng, giá thành gạo cấp thấp của Việt Nam là 360 USD/tấn nhưng Myanmar chỉ có 310 USD/tấn là điều phải suy nghĩ.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty XNK An Giang (Angimex), trong bối cảnh thị trường có sự chuyển động và khó khăn, cần tích cực mở thêm thị trường mới. Ông Tiến cho biết, hai thị trường khó tính với những tiêu chí nghiêm ngặt về hạt gạo là Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những tín hiệu khả quan. Sau 3 năm từ chối do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao trong hạt gạo, Nhật Bản đã thông báo những mẫu gạo Việt Nam thời gian gần đây đã đạt các tiêu chuẩn của Nhật Bản. Hy vọng sẽ xuất khẩu gạo trở lại thị trường này.
Trong khi đó, việc trúng thầu 30.000 tấn gạo vào Hàn Quốc là một tin vui khác. Bởi gạo xuất vào hai thị trường này với giá rất cao. Vì vậy, Bộ Công thương cần tích cực hơn trong đàm phán giữa hai nước để mở cửa thị trường Hàn Quốc. 3 năm nay gạo Việt Nam không vào được Iraq, vì vậy, nên chăng cần thay đổi cách xuất khẩu, đưa ra khỏi thị trường tập trung, DN nào có điều kiện xuất khẩu vào đây thông qua môi giới nên khuyến khích.
Theo ông Trương Thanh Phong, cần xác định những thị trường quan trọng và quản lý chắc việc xuất khẩu để bảo vệ uy tín và giá, không để những hợp đồng thương mại ký giá thấp có thể ảnh hưởng đến giá ký các hợp đồng tập trung. Trong đó, Indonesia được xem là thị trường quan trọng nhất 6 tháng cuối năm. Trung Quốc được xác định là thị trường tiềm năng trước mắt và tương lai khi đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất hạt gạo Việt Nam 6 tháng đầu năm với 900.000 tấn trên 1,2 triệu tấn gạo đã ký. Nhưng đây cũng là thị trường đầy trắc trở. Các DN cần lưu ý đặc biệt, nhất là việc thanh toán, phải kiểm soát chặt về thanh toán thương mại. Chỉ khi nào xong thủ tục mới giao hàng. Bởi khi gặp rủi ro với DN Trung Quốc là rất khó kiện tụng. 6 tháng đầu năm có 165.000 tấn gạo ký với DN Trung Quốc bị hủy.
6 tháng đầu năm, cơ cấu gạo xuất khẩu có sự chuyển động khá tích cực. Gạo cao cấp hơn 1,7 triệu tấn, chiếm 49,7% lượng gạo xuất khẩu, tăng 52,6% so cùng kỳ. Gạo thơm các loại 253.000 tấn, chiếm 7,6%, tăng 40,4% so cùng kỳ. Trong khi gạo cấp thấp giảm 44% và cấp trung bình giảm 55,9%. |
CÔNG PHIÊN