Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Bảo đảm chính xác “điểm rơi chính sách”

Báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố hôm qua (1-8) nhận định, trong 7 tháng qua môi trường kinh tế vĩ mô về cơ bản tiếp tục được duy trì ổn định. Tuy nhiên, sự suy yếu của cầu nội địa đang tạo lực cản đáng kể cho tăng trưởng.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Bảo đảm chính xác “điểm rơi chính sách”

Báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố hôm qua (1-8) nhận định, trong 7 tháng qua môi trường kinh tế vĩ mô về cơ bản tiếp tục được duy trì ổn định. Tuy nhiên, sự suy yếu của cầu nội địa đang tạo lực cản đáng kể cho tăng trưởng.

Các cửa hàng điện máy ế ẩm mặc dù giá sản phẩm thấp hơn nhiều so với trước đây. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Các cửa hàng điện máy ế ẩm mặc dù giá sản phẩm thấp hơn nhiều so với trước đây. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Phân tích chỉ số CPI tháng 7 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy tác động của chính sách tiền tệ cũng như cầu tiêu dùng trong nước đến CPI trong tháng này là không đáng kể. Lạm phát tổng thể tăng chủ yếu do việc điều chỉnh giá (giá xăng dầu, tỷ giá) gây tác động đến nhóm giao thông vận tải tăng mạnh (tăng 1,34% so với tháng trước) và giá hàng nhập khẩu. Như vậy, tốc độ tăng CPI của tháng 7 so với tháng 6 (0,27%) vẫn thấp hơn dư địa cho phép trong mỗi tháng cuối năm (bình quân khoảng 0,76%).

Với xu hướng tăng CPI như vậy, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới được dự báo không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm và sức mua trong nước vẫn còn yếu, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng việc kiểm soát lạm phát theo kế hoạch đề ra cho năm 2013 đang có những thuận lợi nhất định.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế có một số dấu hiệu chuyển biến nhưng vẫn ở mức thấp và đối mặt nhiều khó khăn để có thể đạt mục tiêu cả năm là 5,5%. Xét về tổng cầu, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy giảm, xuất khẩu đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng khá, nhưng chủ yếu nhờ sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI.

“Có thể thấy sự suy yếu của cầu nội địa đang tạo lực cản đáng kể cho tăng trưởng. Sản xuất của nền kinh tế vì vậy tiếp tục phải chịu sự chi phối lớn từ cầu tiêu dùng bên ngoài” – báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định. Theo đó, nền kinh tế sẽ khó có thể thực sự hồi phục ổn định khi cầu trong nước không được cải thiện.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân chính khiến tổng cầu suy yếu là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 29,6% GDP, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (34,5% GDP). Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm cần tập trung chỉ đạo điều hành để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%-14% so với 2012. Công tác điều hành chính sách trong giai đoạn tới cần tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhằm củng cố niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng một cách hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc đẩy nhanh các gói chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, đồng bộ và đủ liều lượng. Cụ thể, cần quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ; kịp thời điều chỉnh liều lượng các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp chính sách nhanh chóng thẩm thấu vào nền kinh tế, đảm bảo “điểm rơi chính sách” chính xác, tránh chậm trễ trong việc điều chỉnh tạo nên tình trạng thiếu vốn đầu tư.

Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xét trên nền tảng kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần phải tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục