* Sẽ chất vấn về thực thi pháp luật liên quan đến đất đai
(SGGP). – Hôm qua 12-8, phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Theo chương trình nghị sự, sẽ có nhiều vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại phiên họp này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã nhất trí chọn 2 vị trưởng ngành tư pháp, tài nguyên và môi trường trả lời chất vấn trực tiếp dự kiến vào ngày 21-8. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ trả lời chất vấn về tình hình thực thi các văn bản pháp luật từ 2010 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời về việc thực thi pháp luật liên quan đến đất đai, trong đó có việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ giải quyết trên 528 vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài. Đặc biệt, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các vấn đề nhằm bổ trợ cho việc hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
UBTVQH đã cho ý kiến lần 1 đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo tờ trình được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 36 điều, chiếm 35% tổng số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Nội dung sửa đổi tập trung vào những quy định không còn phù hợp hoặc không rõ ràng; bổ sung những nội dung mới theo nhu cầu quản lý; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn... Trong số những nội dung đề nghị sửa đổi, đáng chú ý tại Điều 24 khoản 3 quy định đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa không chở người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính dưới 5 sức ngựa có sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Điều này đồng nghĩa với 300.000 phương tiện loại nhỏ này sẽ không cần có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện. Góp ý về nội dung này, các ý kiến đều băn khoăn liệu việc loại bỏ giấy phép và đăng kiểm cho 300.000 phương tiện nêu trên có đảm bảo an toàn, nên chăng đưa ra những điều kiện thuận lợi hơn để người dân tự giác đăng ký còn những tiêu chuẩn về an toàn vẫn phải được luật hóa.
Các ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của hành khách đường thủy, bổ sung quy định cụ thể hơn về cứu nạn đường sông, đường thủy. Dự luật viết quá đơn giản, mới chỉ định nghĩa hoạt động cứu nạn mà chưa làm rõ trách nhiệm từng chủ thể trong luật. Đây cũng chính là vấn đề nổi lên gây bức xúc dư luận sau vụ chìm tàu tại khu vực biển Cần Giờ, TPHCM vừa qua.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành cần sửa luật, những nội dung cơ bản như tờ trình và ý kiến thẩm tra sơ bộ. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ, tập trung vào vấn đề bất cập trong giao thông đường thủy, đăng ký đăng kiểm, điều kiện tham gia đường thủy, cứu hộ cứu nạn bảo đảm an toàn giao thông. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ việc loại các phương tiện nhỏ ra khỏi quy định đăng kiểm, thay vì loại đăng kiểm thì nên đơn giản hóa thủ tục cho người dân.
Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận về Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Một số ý kiến tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ hơn về quyền xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp các “hành vi khủng bố” của cảnh sát cơ động. Đặc biệt, đối với việc nổ súng, ngoài trường hợp được quy định tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Thứ trưởng thường trực Bộ Công an mới được quyền ra lệnh nổ súng, còn Tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này. Về quy định cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy…, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc vì đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn. Trong khi hiện nay Bộ Quốc phòng đã được đầu tư cơ bản, có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an khi cần sử dụng. Theo lộ trình, sau khi tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động sẽ được UBTVQH thông qua vào phiên họp tháng 12-2013.
BÍCH QUYÊN