Chiều 25-2, dự án Luật Trưng cầu ý dân đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu. Đây là một văn bản luật được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận là “rất quan trọng, song cũng vô cùng phức tạp và nhạy cảm”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 cuả Ủy Ban Thường vụ Quốc hội
Chỉ nên trưng cầu ý dân ở quy mô toàn quốc
Theo Hội Luật gia Việt Nam, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân trình UBTVQH lần này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc trưng cầu ý dân, người có quyền biểu quyết trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, giám sát trưng cầu ý dân và kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm... Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, Ban soạn thảo cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến cho rằng, trưng cầu ý dân chỉ nên quy định tổ chức ở quy mô toàn quốc và dự thảo luật cũng quy định theo hướng này.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác cho rằng, tùy thuộc vào tính chất, tầm quan trọng và phạm vi tác động của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, Quốc hội sẽ quyết định quy mô tổ chức cho hợp lý, có thể là trên phạm vi toàn quốc, cũng có thể trong một vùng (khu vực) một số tỉnh, thành phố hoặc chỉ trong một tỉnh, thành phố. Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung quy định của dự thảo luật. Về kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”. Cụ thể là “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý với quan điểm “quá bán kép”, nhưng lưu ý thêm việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý, chấp nhận “quá bán kép” nghĩa là có khả năng vấn đề đưa ra xin ý kiến chỉ mới được trên 25% người có quyền bỏ phiếu ủng hộ, “như vậy có thấp quá không”? Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng với những vấn đề rất hệ trọng mà chỉ 1/4 số người đồng ý thì rất nhỏ. “Cần quy định 2/3 mới đảm bảo tính chất pháp lý, chính trị để thực hiện”, ông Nguyễn Kim Khoa nói. Đồng thuận về sự cần thiết xây dựng dự án luật này để phát huy quyền dân chủ của người dân, nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh: “Cần phải làm rất kỹ, đặc biệt là xác định rõ vấn đề nào cần trưng cầu ý dân; nếu không là tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì băn khoăn: “Trong các cơ quan tổ chức cá nhân có quyền đề nghị trưng cầu ý dân có 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội thì không thể gọi là cá nhân, cũng chưa phải cơ quan tổ chức. Mặt khác, nếu trưng cầu ý kiến mà dân không đồng ý thì các bước sau đó sẽ thế nào?”.
Cũng với quan điểm thận trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Ai là người đứng ra trưng cầu ý dân? Dứt khoát phải là ý kiến tập thể chứ không chỉ là cá nhân, dù ở vị trí cao thế nào đi nữa. Quốc hội phải là cơ quan quyết định nội dung, thời gian, thời điểm trưng cầu ý dân. Vấn đề xin ý kiến nhân dân phải là vấn đề quốc gia đại sự, có tính chất toàn quốc. Quốc hội phải giữ được “chốt” sau cùng là nếu kết quả trưng cầu không hợp lý và tỷ lệ chỉ xấp xỉ 26%, nghĩa là trên mức “quá bán kép” một chút thì Quốc hội có quyền bác bỏ không thực hiện”.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, cần có sự chuẩn bị thấu đáo, thận trọng với dự án luật này, “phải đảm bảo nguyên tắc trình tự xây dựng pháp luật, nghĩa là phải có văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ...”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo thẩm tra tiếp thu ý kiến UBTVQH để hoàn thiện dự luật. UBTVQH sẽ xem xét tiếp, nếu chưa đáp ứng yêu cầu thì chưa trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.
Băn khoăn về thiết chế “Hội đồng bầu cử quốc gia”
Sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội. Về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhiều ý kiến đề nghị không thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia như một thiết chế thường xuyên. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Duy trì thiết chế này thường xuyên là lãng phí nguồn nhân lực. Những quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia cần được rà soát lại để không “đụng” các quy định về quyền của Quốc hội và UBTVQH như đã nêu rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội”. Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý: “Trách nhiệm tổ chức bầu cử HĐND như dự luật là chưa rõ. Nên giao trách nhiệm này cho Ủy ban bầu cử cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia chứ không nên giao cho Chính phủ”.
Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 có 4 nội dung nêu rõ là do Quốc hội quy định và 7 nội dung giao UBTVQH quy định chi tiết. Đáng lưu ý, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện vẫn còn nhiều thủ tục tiến hành các công việc tại kỳ họp Quốc hội chưa được quy định cụ thể trong các văn bản hiện có và cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa trong nội quy kỳ họp Quốc hội. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện nội quy kỳ họp Quốc hội để quy định cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục làm việc của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội.
ANH THƯ