(SGGP).– Ngày 10-1, tại phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về 4 dự án luật: Phổ biến, giáo dục pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính; Giám định tư pháp; Quảng cáo.
Về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn đặt người dân vào thế thụ động, chưa tạo điều kiện để người dân được tiếp cận kiến thức, văn bản pháp luật khi có nhu cầu.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên UBTVQH cùng chung nhận định, một số vấn đề trong dự án luật tuy đã được tiếp thu, chỉnh lý, song vẫn còn chung chung, chưa rõ tính khả thi và hiệu quả. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan soạn thảo thẩm tra, rà soát kỹ lưỡng dự luật, đặc biệt lưu ý đến giải pháp triển khai; làm rõ trách nhiệm của đối tượng cần được giáo dục, phổ biến pháp luật…
Liên quan đến một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc - như quy định tại pháp lệnh hiện hành, bởi như vậy quá nghiêm khắc. “Quy định hình thức xử phạt bổ sung như dự thảo không có tính khả thi, không phù hợp chính sách công bằng xã hội của nhà nước ta” - Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, có nhiều biện pháp để xử lý hành vi của người bán dâm, chẳng hạn như tăng mức phạt thật nặng hoặc buộc lao động công ích. Tính chất giáo dục của biện pháp buộc lao động công ích rất cao và hiệu quả, đồng thời lại áp dụng được cho cả những đối tượng nại lý do không có tiền nộp phạt. Trong xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo luật quy định mức phạt 50.000 đồng - 2 tỷ đồng, trừ trường hợp các luật đặc thù có quy định khác. Luật quy định mức xử phạt tiền tối đa đối với cá nhân và pháp nhân có khác nhau, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 1 tỷ đồng.
Có ý kiến cho rằng, mức phạt tiền cao không phải là giải pháp duy nhất và hữu hiệu hạn chế vi phạm mà cần kết hợp với các hình thức phạt bổ sung khác. Hơn nữa, việc quy định mức phạt cao dễ dẫn đến tiêu cực trong xử lý. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng việc tăng mức phạt là cần thiết, nhưng phải cân nhắc tăng phù hợp, đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thu nhập bình quân của người dân.
Bày tỏ sự ủng hộ việc áp dụng mức xử phạt cao để đảm bảo tính răn đe, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu: “Chúng ta xử phạt người vi phạm chứ có tự dưng phạt người bình thường đâu. Khi ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao thì rất cần biện pháp mạnh để có tác dụng răn đe”.
Nhiều thành viên khác trong UBTVQH cũng tán thành cơ chế để HĐND các TP trực thuộc trung ương có thể linh động đưa ra các quy định cho phép áp dụng mức xử phạt cao đối với các hành vi vi phạm hành chính tại khu vực nội thành.
A.Thư