Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bức tranh kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2011 và 5 năm 2011 – 2015

(SGGPO).-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bức tranh kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2011 và 5 năm 2011 – 2015

(SGGPO).- Hôm nay 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, cân đối ngân sách năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012; tình hình kinh tế xã hội – ngân sách 5 năm 2006 -  2010 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2011 – 2015; tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012 và giai đoạn 2011 – 2015. UB Kinh tế, UB tài chính – Ngân sách của QH cũng đã có các báo cáo thẩm tra về những vấn đề nêu trên.

Năm 2012: đề nghị chọn kịch bản phát triển thấp (tăng trưởng GDP 6%)

Trên cơ sở phân tích toàn diện tình hình, Chính phủ đã đưa ra hai kịch bản phát triển cho năm 2012, song đề nghị lựa chọn kịch bản thấp (tăng trưởng GDP 6%) để điều hành.
 
Ở phương án này, bội chi ngân sách vẫn là 4,8% GDP, với tổng chi 897,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách là 736 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 25% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100,8 tỷ USD, tăng 12%, nhập siêu khoảng 13,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chính phủ cũng đã xây dựng hai kịch bản phát triển cho giai đoạn 2011 – 2015, trên cơ sở mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn này là 6,5% và 7%. Nhìn nhận tình hình sau năm 2012 đến 2015 sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn, Chính phủ đề nghị chọn kịch bản cao (7%). Ở kịch bản này, GDP bình quân đầu người/ năm đạt khoảng 50 triệu đồng (trên 2.000 USD), tốc độ tăng CPI năm 2015 dưới 7%; bội chi ngân sách nhà nước giảm xuống còn 4,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2015 đạt 55% tổng lao động toàn xã hội. Diện tích nhà ở bình quân đến năm 2015 đạt mức 22m2 sàn/ người (đô thị: 26m² sàn/ người)…

Các ủy ban của QH đề nghị điều hành theo hướng khắc khổ hơn

Cơ bản tán thành các nhận định cũng như phương án chọn được Chính phủ đề nghị, song Báo cáo thẩm tra của UB kinh tế đã yêu cầu Chính phủ đánh giá sâu sắc việc có tới 10/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có tốc độ tăng trưởng GDP, cơ cấu ngành trong GDP, nhiều chỉ tiêu về môi trường... “Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước cao làm giảm tích lũy đối với doanh nghiệp và người dân”, bản báo cáo nhận định. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB Kinh tế đặc biệt lưu ý rằng, hiệu quả của nền kinh tế giai đoạn 2006 – 2010 giảm đáng kể so với 5 năm trước đó, thể hiện qua hệ số đầu tư ICOR lên tới 6,3 so với 5,1 của giai đoạn 2001 – 2005…
    
Về các kế hoạch chỉ tiêu cụ thể, đa số ý kiến trong UB nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát lạm phát năm 2012 ở mức một con số nhằm củng cố lòng tin của xã hội, từ đó mới có cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Trong cả giai đoạn 2011 – 2015, lạm phát bình quân được UB Kinh tế yêu cầu kiềm chế dưới 5%/năm. Đây cũng chính là một trong nhiều chỉ tiêu đề xuất của UB Kinh tế có sự khác biệt đáng kể so với Báo cáo của Chính phủ (Chính phủ đề nghị đến năm 2015 đạt dưới 7%). Tuy nhiên, UB Kinh tế tán thành kiến nghị của Chính phủ về việc tính toán và công bố chỉ số lạm phát theo thông lệ quốc tế, đồng nghĩa với việc không đưa giá năng lượng và lương thực vào rổ hàng hóa tính CPI.

Các chỉ tiêu khác cũng có sự khác biệt giữa đề xuất của UB Kinh tế và Chính phủ là kiểm soát nhập siêu, bội chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ huy động vào ngân sách và nợ Chính phủ.

Không nên đưa ra chỉ tiêu duy ý chí

Đó là bình luận của Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khi bàn đến các chỉ tiêu về lạm phát, huy động trái phiếu Chính phủ… “Tại sao mức thực hiện thực tế trong nhiều trường hợp vẫn có sự cách biệt quá lớn so với chỉ tiêu đề ra? Có phải là chúng ta quá duy ý chí khi đặt ra chỉ tiêu không? Việc đặt ra những chỉ tiêu – trong đó có những cách biệt khá lớn giữa quan điểm của Chính phủ và của các ủy ban – phải được giải thích rõ ràng về căn cứ, cơ sở”, bà nói. Về các chương trình mục tiêu quốc gia, bà Mai đề nghị xem xét thành lập một văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia để khắc phục tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả trong việc thực hiện các chương trình này.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách bày tỏ quan điểm phải kiềm chế CPI dưới tốc độ tăng trưởng kinh tế; đồng thời củng cố dự trữ tài chính quốc gia, nhất định không để xảy ra khủng hoảng nợ công. Ông khẳng định: “Dứt khoát phải cơ cấu lại bội chi. Bội chi của ta là về cơ cấu, rất nguy hiểm”.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi lưu ý Chính phủ quan tâm hơn đến các lĩnh vực văn hóa xã hội và bố trí ngân sách đầy đủ cho các lĩnh vực này.

Ông Đào Trọng Thi thẳng thắn nhận xét: “Cả báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đều thiên về kinh tế, mà sơ sài về văn hóa xã hội. Tỷ trọng ngân sách ở trung ương thì đảm bảo, nhưng chúng tôi giám sát thì thấy ở địa phương, ngân sách cho các lĩnh vực giáo dục, văn hóa thường bị cắt xén để đầu tư cho kinh tế”. Đối với các chỉ tiêu có tính định lượng trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa phải rất thận trọng, vì chưa phản ánh chất lượng, “có khi càng vượt cao càng phản tác dụng”, đơn cử như chỉ tiêu về tuyển sinh, về số sinh viên trên một vạn dân… Do đó khi lập kế hoạch phải đưa ra các điều kiện để đảm bảo chất lượng thực sự của chỉ tiêu.
     
“Không có gì đột phá ở những báo cáo này. Những “bệnh” cũ vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay, trong đó không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan. Nếu cứ làm theo cách này thì cứ đề ra chỉ tiêu, rồi không thực hiện được cũng chẳng sao (?!). Tới đây sửa Hiến pháp, tôi đề nghị xem xét tính pháp lý và căn cứ xử lý trách nhiệm điều hành của việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật phát biểu.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tán thành nhiều nhận định của ông Lý khi cho rằng kỷ luật tài chính vẫn còn lỏng lẻo; thể chế pháp lý cho nhiều lĩnh vực còn thiếu và nhiều điểm bất hợp lý… “Cho nên cần phải bàn cho ra những giải pháp rất cụ thể thì kế hoạch mới trở thành hiện thực được”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định.

Mua hàng bình ổn giá tại cửa hàng Vissan tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Mua hàng bình ổn giá tại cửa hàng Vissan tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Khái quát tình hình kinh tế xã hội, cân đối ngân sách năm 2011 và giai đoạn 5 năm 2006 - 2010

Đánh giá khái quát tình hình Kinh tế-Xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm 2011, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày nhìn nhận, do tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng kinh tế có bị ảnh hưởng: GDP 9 tháng tăng 5,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010 và khó có thể đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm như Quốc hội  đã phê duyệt (7-7,5%). Tuy nhiên, GDP đã tăng đều qua từng quý, ước cả năm đạt khoảng 5,8 đến 6%.

Về tiền tệ, tín dụng, lãi suất vẫn còn ở mức cao nhưng đang có xu hướng giảm xuống. Toàn ngành ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất huy động xuống dưới 14%, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay xuống mức hợp lý. Tình hình thị trường và cân đối ngoại tệ có chuyển biến tích cực. Dự trữ ngoại tệ của Nhà nước được cải thiện đáng kể so với đầu năm 2011.

Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) sau khi đạt đỉnh vào tháng 4 đã giảm dần từ tháng 5 và xuống mức thấp nhất trong tháng 9. Dự báo CPI tháng 12 năm 2011 tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2010.
 
Những thành tựu và hạn chế căn bản trong suốt giai đoạn 2006 – 2010 cũng đã được đánh giá đầy đủ trong Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này. Theo Báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 7% (kế hoạch đề ra là 7,5 – 8%). Dư nợ Chính phủ, nợ nước ngoài ở mức cho phép; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2010 đạt 1.168 USD/ người/ năm. Nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển có thu nhập thấp. Đời sống nhân dân được cải thiện, các lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ. Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ. Hầu hết các mục tiêu đặt ra cho năm 2015 đã đạt và vượt vào năm 2008.

Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, kết cấu hạ tầng vẫn thiếu đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều yếu kém, công tác tổ chức và điều hành quản lý nhà nước còn những bất cập…
 

Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2015: Kiên quyết không bổ sung dự án ngoài danh mục đã duyệt

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, để hoàn thành các dự án đã có trong danh mục đã được Quốc hội phê duyệt giai đoạn 2003 – 2011, trong 5 năm 2011 – 2015 cần bố trí 405.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trừ đi 45.000 tỷ đồng đã bố trí kế hoạch 2011, nhu cầu trong 4 năm còn lại là trên 360.000 tỷ đồng. Nếu tính yếu tố trượt giá trong 4 năm tới thì dự kiến nhu cầu từ nguồn vốn này lên tới trên 500.000 tỷ đồng.

Do khả năng cân đối vốn rất khó khăn, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015 rất chặt chẽ. Kiên quyết không bổ sung thêm dự án mới ngoài danh mục đã được phê duyêt; giãn, hoãn tiến độ thực hiện và thực hiện các hình thức xử lý khác đối với các dự án chưa thật sự cấp bách, có nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện chậm. Không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho phần vốn tăng thêm do điều chỉnh quy mô dự án.

Nhất trí tăng lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ được nâng lên 25%.

Theo phương án của Chính phủ, với tăng trưởng 6,5%, tổng chi ngân sách Trung ương sẽ thực hiện cải cách tiền lương là 49.300 tỷ đồng, để điều chỉnh lương tối thiểu từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng, tăng 220.000 đồng, tương đương 26,5%. Mức tăng này cũng được áp dụng cho lương hưu và trợ cấp. Nếu tăng trưởng ở mức 6%, sẽ giữ nguyên mức tăng lương, song phụ cấp công vụ sẽ giảm từ 25% xuống còn 15%.

A.PHƯƠNG

ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục