Đó là khẳng định của các chuyên gia môi trường tại cuộc họp bàn về vai trò của Doanh nghiệp xanh đối với việc cải thiện chất lượng môi trường sống hiện tại và tương lai. Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, vai trò của doanh nghiệp xanh không chỉ dừng lại ở khuôn khổ tự cải thiện mình theo hướng ngày càng xanh hóa mà còn là đóng vai trò quan trọng trong việc phối kết hợp với cộng đồng để cải thiện môi trường sống chung.
Từ xanh “nhà”...
Trường hợp Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk là một điển hình. Công ty không những thực hiện tốt hoạt động bảo vệ môi trường tại các nhà máy sản xuất sản phẩm mà còn đầu tư khoản lớn kinh phí để hỗ trợ cộng đồng, chính quyền địa phương tham gia cùng cải thiện chất lượng môi trường sống. Cụ thể, tại Nhà máy Sữa Thống Nhất, Trường Thọ, Sữa Sài Gòn… những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất như chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, khí thải và đặc biệt là nước thải luôn được đảm bảo xử lý triệt để, đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Riêng với những chất thải không thể xử lý, các nhà máy sẽ chuyển giao cho những công ty có chức năng thu gom, xử lý để thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Nhà máy Sữa Thống Nhất cho biết, không dừng lại đó, nguồn nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quy định còn được các nhà máy tận dụng để tưới mảng cây xanh. Đây cũng là cách làm nhằm giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước vốn đang bị cạn kiệt vì khai thác quá mức.
Tương tự, đối với Công ty Quốc tế Unilever, xanh hóa công ty được xác định là chiến lược sống còn của công ty. Ngay từ khi đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nhà máy, những phương án xanh hóa công ty đã được lãnh đạo tập đoàn cực kỳ quan tâm. Điều này cũng lý giải tại sao ngay khi nhà máy của công ty đi vào vận hành thì những công trình xử lý chất thải cũng được hoạt động song hành.
Điều đáng nói là sự song hành này không chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu sự thành lập nhà máy mà đã được chủ định tính toán cho những giai đoạn tiếp theo. Có nghĩa là khi nhà máy phát triển rộng đến đâu thì hệ thống công trình xử lý chất thải cũng đã được tính toán đầu tư tương xứng đến đó. Do vậy, sẽ không có trường hợp quá tải trong quá trình xử lý chất thải do công suất sản xuất tăng. Không dừng lại đó, tại nhà máy của tập đoàn không ngừng được đầu tư, nghiên cứu, cải tiến trang thiết bị, nguyên vật liệu đang sử dụng cho sản xuất để từng bước giảm thiểu tối đa chất thải phát sinh ra môi trường. Việc khuyến khích người lao động tại nhà máy có sáng kiến để tái chế chất thải thành những sản phẩm có ích cũng luôn được lãnh đạo quan tâm, ủng hộ. Vì thế nhiều dự án xanh đã được thiết lập tại nhà máy của công ty. Một số công trình điển hình như tái chế bùn thải thành gạch; sử dụng năng lượng mặt trời thay cho nguồn năng lượng truyền thống; sử dụng phụ phẩm nông sản thay cho nguồn nhiên liệu hóa thạch, nguyên liệu không có khả năng tái tạo…
…...đến “xanh” cả “phố phường”
Không dừng lại đó, ngoài việc xanh hóa nhà máy, các công ty góp phần đáng kể trong việc khuyến khích, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác chung tay xây dựng môi trường xanh. Đơn cử như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã thực hiện chương trình Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam. Theo đó, công ty sẽ phối kết hợp với Tổng cục Bảo vệ Môi trường đến từng địa phương thực hiện trồng cây xanh. Cách làm này không chỉ giúp các địa phương có điều kiện tăng diện tích cây xanh vốn đang ngày càng cạn kiệt vì bị khai thác quá mức mà còn giúp phát huy hơn vai trò của cộng đồng trong việc cùng chung tay tạo dựng mảng xanh cho Việt Nam.
Chương trình tuy thực hiện chưa tròn năm nhưng phần nào đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các chính quyền địa phương và đặc biệt hơn là cộng đồng. Từng bước tạo nên thói quen tốt trong cộng đồng – thói quen tăng cường mảng xanh trong đời sống thường ngày của mỗi người. Hay như trường hợp của Tập đoàn Unilever. Đơn vị này đã thành lập một quỹ Unilever Việt Nam với phương châm rất rõ ràng là hỗ trợ cho những dự án góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Trải qua gần 10 năm thành lập cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm dự án hỗ trợ cộng đồng đã được tài trợ. Nhiều dự án như cải thiện nguồn nước sạch cho cộng đồng; xây dựng trạm y tế cho khu vực dân cư nghèo; nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh cho người dân… đã thực sự góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trên khắp cả nước.
Đó chỉ là số ít trong số hàng trăm, hàng ngàn dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng môi trường sống mà các doanh nghiệp trên khắp cả nước đã và đang làm. Ông Lau Yew Hoong, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Môi trường Quốc gia Singapore nhấn mạnh, vậy tại sao TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung không phát huy hơn nữa vai trò của Doanh nghiệp xanh trong việc cải thiện môi trường sống chung?
Trên thực tế, nhìn lại hiệu quả dự án cải thiện chất lượng môi trường mà nước ta thực hiện trong thời gian qua cho thấy, hiệu quả còn rất thấp. Nguyên nhân là do chưa phát huy được nội lực tập thể. Đơn cử như dự án cải thiện kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, quận Bình Thạnh. TPHCM đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải thiện con kênh này nhưng hàng ngày vẫn còn rất nhiều người dân tiếp tục xả rác xuống lòng kênh. Tương tự, tình trạng này xảy ra rất phổ biến tại hầu hết các kênh rạch TP. Đại diện Trung tâm Điều hành và Chống ngập TPHCM khẳng định, hàng loạt kênh rạch tại TP đã bị khai tử vì bị người dân xả rác, gây nghẹt dòng chảy, ùn ứ nước làm phát sinh khu ô nhiễm hết sức nghiêm trọng…
Nếu muốn cải thiện môi trường vốn đang bị ô nhiễm như hiện nay, chỉ mỗi chính quyền địa phương là không đủ sức. Với mỗi cộng đồng thì không đủ lực. Còn riêng doanh nghiệp thì không đủ tầm. Giải pháp hay nhất vẫn là kết hợp cả ba. Doanh nghiệp có thực lực kinh tế, chính quyền có năng lực điều hành và quản lý. Còn cộng đồng thì có sức mạnh của tập thể. Kết hợp ba yếu tố này thì không có một dự án môi trường nào mà không thể thực hiện được. Thậm chí, kết quả việc thực hiện dự án trên sẽ rất hiệu quả và bền vững. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng sẽ làm gì để phát huy sức mạnh của các lực lượng trên, từng bước tạo thế chân vạc trong hoạt động bảo vệ môi trường. Có như vậy thì mới mong sớm cải thiện môi trường sống vốn đang bị suy thoái ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
HOÀNG LAN