Làm thế nào phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên? Đây là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xem là một trong những nguyên nhân còn hạn chế, hiệu quả chưa cao và là một trong bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Nhiều người cho rằng, hiện nay trong Đảng việc đấu tranh chống tiêu cực nội bộ còn khó, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân làm sao có nhiều thông tin và tham gia cho có hiệu quả. Cơ quan dân cử còn có nhiều công cụ như giám sát, chất vấn…, còn người dân dùng công cụ gì. Động lực nào để thúc đẩy khi mà cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tố giác xem ra chưa cụ thể. Tình trạng triển khai một chiều từ trên xuống nhiều hơn phản ánh từ dưới lên chưa khắc phục được bao nhiêu. Nhiều cán bộ công chức, viên chức không dám góp ý, hay nói khác ý thủ trưởng. Không ít lãnh đạo ở cơ sở không dám phản ánh đầy đủ các ý kiến, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội lên cấp trên…
Tuy nhiên, dầu gì thì nhân dân cũng không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc đấu tranh có tính sống còn này. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân đã một lòng theo Đảng và không tiếc máu xương. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, nhân dân có vai trò sáng tạo, đi đầu phá bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp… Dựa vào dân để xây dựng Đảng, đó cũng chính là chỗ dựa vững chắc của một chính Đảng không có tôn chỉ mục đích nào khác hơn là vì lợi ích của nhân dân.
Để phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 lần này, có lẽ, trước hết cần phải tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên về tin dân, trọng dân, dựa vào dân. Trong đó, phải thấu đáo và thực hiện nghiêm túc các quyết định của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy chế về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các quy chế đã nói rõ về quyền, trách nhiệm, nội dung, phương pháp… trong phát huy dân chủ, góp ý, xây dựng Đảng, chính quyền. Quá trình triển khai thực hiện sẽ hoàn thiện hơn các quy định, quy chế. Vấn đề là qua đây sẽ mở rộng và phát huy dân chủ, khơi dậy ý thức, trách nhiệm xã hội, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền phải coi trọng công tác dân vận, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, của báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Có nhiều vụ việc, hiện tượng người dân có biết, phản ánh những dấu hiệu và cung cấp thông tin nhưng vụ việc nào cũng đòi hỏi người dân phải cung cấp chứng cứ thì cũng rất khó khăn. Quan trọng là khi người dân phản ánh thì lắng nghe, có những vụ việc, kiểm tra, thanh tra tiếp tục làm rõ mới có hiệu quả. Nhiều trường hợp nếu được góp ý, đấu tranh kịp thời, xử lý nhanh chóng thì sẽ ngăn chặn, không để gây ra những hậu quả khó lường.
Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… cần được thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Trong thực tế có không ít thay đổi về quy hoạch mà không có lợi cho dân, không thể hiện sự phát triển bền vững… Không gian sống của người dân ở trung tâm thành phố này như ngày càng hẹp lại, các cao ốc cứ mọc lên và nạn kẹt xe ngày càng căng thẳng hơn. Làm sao có chất lượng sống tốt khi xe máy tràn ngập lên vỉa hè, lề đường không có chỗ cho người đi bộ… Triết lý rất hay về phát triển thành phố đa trung tâm đã không được thực hiện một cách nghiêm túc.
Cơ quan dân cử ngày càng được tăng cường, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa đúng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân… Hiện nay, có những chính sách pháp luật không sát với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung, có nhiều vụ việc đòi hỏi phải tăng cường giám sát và chấn chỉnh, không để dân kêu là nhiều vấn đề bức xúc mà không thấy bóng dáng đại biểu của dân ở đâu. Nhiều vụ chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công… gây lãng phí làm người dân đau lòng.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện việc tiếp dân định kỳ, đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Hoàn thiện các hình thức đánh giá chỉ số hài lòng sao cho thực chất và có biện pháp xử lý những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. Nhất là phải tạo cho được sự chuyển biến đáng kể trong thái độ ứng xử, phục vụ dân.
Có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với việc nghiên cứu các hình thức biểu dương, khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân có tinh thần và tham gia đấu tranh chống tiêu cực có hiệu quả. Những hiện tượng bao che, “dĩ hòa di quý” trong nội bộ không tự đấu tranh khắc phục, chạy theo thành tích… tùy theo mức độ mà có những hình thức xử lý phù hợp để khuyến khích các cơ quan, đơn vị tự phát hiện, phòng, chống tiêu cực tại chỗ một cách kịp thời.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm cho Đảng tốt lên và tốt hơn. Cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét có thêm cơ chế để người dân đóng góp những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, kể cả những sáng kiến pháp luật, hoạch định chính sách, giám sát có hiệu quả.
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của nhân dân sẽ được đẩy mạnh một khi những ý kiến, kiến nghị được tiếp thu, xử lý nhanh và tạo nên những chuyển biến trong thực tế cuộc sống. Nếu những góp ý không được lắng nghe, khắc phục thì khó trách tại sao người dân sẽ càng thờ ơ và không muốn mở miệng, mở lòng. Việc tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn, tự phê bình, phê bình trong Đảng, cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của người dân. Sự nêu gương của người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên thể hiện trong việc nói đi đôi với làm, chắc chắn dân sẽ tin hơn và lòng tin của dân với Đảng sẽ ngày càng được củng cố, nhân lên.
PHẠM PHƯƠNG THẢO