Vẫn còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra

(SGGP).- Hôm qua 23-6, lần đầu tiên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) đối thoại trực tuyến với người dân, doanh nghiệp… Đây là hoạt động song song với hội nghị truyền hình triển khai Luật Thanh tra năm 2010 vào hôm nay 24-6, đồng thời cũng được TTCP xem như là một việc làm cụ thể trong đẩy mạnh thực thiện chủ trương công khai các hoạt động của ngành thanh tra đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Tại buổi đối thoại, hầu hết các vấn đề người người dân, doanh nghiệp đặt ra đều liên quan đến những quy định mới của Luật Thanh tra năm 2010. Những nội dung được quan tâm nhiều nhất là trách nhiệm của cơ quan thanh tra các cấp đến đâu trong quản lý các doanh nghiệp Nhà nước; ai có quyền quyết định thanh tra đột xuất (khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật). Những trao đổi thẳng thắn của lãnh đạo TTCP đã giúp người dân hiểu rõ nội dung của Luật Thanh tra năm 2010.

Một thực tế gây bức xúc hiện nay là trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra; nhiều cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành cùng thanh tra một đối tượng.

Trả lời câu hỏi, đó có phải là sự chồng chéo ngay trong chức năng hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan khác nhau (ví dụ Thanh tra Sở Tài chính, Thanh tra Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng đều có quyền thanh tra một dự án đầu tư, với toàn bộ quá trình quản lý, thực hiện dự án như thủ tục đầu tư, kết quả đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư..), Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra thì thanh tra bộ, sở tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, sở. “Nếu chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của bộ, của sở rõ ràng, rành mạch, không chồng chéo thì hoạt động thanh tra cũng không chồng chéo.

Tuy nhiên, trên thực tế, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, sở còn có sự giao thoa (nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng), vì vậy, “sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra đang là một thực tế” - ông Lượng thừa nhận. Để khắc phục vấn đề này, Luật Thanh tra đã quy định cho người đứng đầu cơ quan thanh tra Nhà nước có trách nhiệm xử lý sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Vì vậy, khi các bộ, các sở cùng có kế hoạch tiến hành thanh tra đối với cùng một đối tượng thì Tổng TTCP, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phải có ý kiến để xử lý tình huống. Thực tế hiện nay, có thể thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra đối tượng đó.

Dư luận đặc biệt quan tâm là thanh tra có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong quản lý đối với các doanh nghiệp Nhà nước? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Kim, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP, cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra sửa đổi năm 2010, các cơ quan thanh tra Nhà nước không có trách nhiệm trong quản lý chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động công tác cán bộ, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, các cơ quan thanh tra Nhà nước có quyền tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước (do chủ tịch UBND thành lập)...

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục