Để từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đô thị tại Hà Nội và TPHCM, tạo nếp sống văn minh đô thị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản ngày 6-10-2011 về việc vận động cán bộ, công nhân viên ngành GTVT gương mẫu sử dụng và vận động người thân sử dụng xe buýt để đi lại tại Hà Nội và TPHCM. Để cuộc vận động này mang lại hiệu quả, ngành GTVT cần có những giải pháp đồng bộ khi mà hoạt động xe buýt đang còn nhiều hạn chế, bất cập như hiện nay.
Có khả thi?
Với tình hình giao thông đang bị quá tải bởi xe cá nhân ở các TP lớn như Hà Nội và TPHCM thì việc vận động CB, CNV và người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để đi lại là hết sức cần thiết.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, phân tích: “Trước hết, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng GTVT khi khẳng định “Đi xe buýt để giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn”. Bởi lẽ, theo nghiên cứu của chúng tôi và thế giới đều chỉ ra rằng, đi xe buýt nói riêng và xe công cộng nói chung thì diện tích chiếm đường của mỗi hành khách chỉ khoảng 2m², trong khi đi xe máy là 10-12m² và xe ô tô con là 30m², như vậy người đi xe buýt chiếm dụng mặt đường ít nhất.
Mặt khác, không có khái niệm xe buýt to đường nhỏ vì xe buýt và đường sá Việt Nam đều được làm chủ yếu theo tiêu chuẩn, có chăng là xe buýt phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp với mật độ xe máy cao, nên vô tình người dân có cảm nhận này. Do đó, việc vận động người dân mà trước hết là CB, CNV nói chung và ngành GTVT nói riêng đi lại bằng xe buýt ít nhất 1 ngày/tuần là đúng đắn”.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, với thực trạng hạ tầng giao thông, luồng tuyến xe buýt còn quá bất cập và chất lượng phục vụ xe buýt chưa được nâng cao e rằng việc vận động CB, CNV và người dân đi lại bằng xe buýt sẽ khó khả thi.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, đặt vấn đề: “Theo tôi, với những ưu thế hiện nay của loại hình phương tiện vận tải cá nhân, cụ thể là xe máy được xem là “đôi chân” nối dài của người dân TPHCM, thì việc vận động người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang dùng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt rất khó khả thi”.
Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, bày tỏ quan điểm: “Việc Bộ GTVT yêu cầu CB, CNV ngành GTVT đi xe buýt 1 ngày/tuần và sắp tới là vận động người dân ở 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM là rất khó thực hiện. Bởi lẽ, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông cũng như xe buýt chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách”.
Cần giải pháp đồng bộ
Từ những vấn đề nêu trên, để thu hút CB, CNV và người dân ở 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM đi lại bằng xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ. PGS-TS Phạm Xuân Mai cho rằng, tháng 6-2011, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch vận động người dân đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, vận động không kèm theo các thay đổi tích cực của ngành sẽ không có hiệu quả. Do vậy, ngành GTVT phải bắt đầu tự thay đổi, tự làm mới mình trước.
Cụ thể, cần thay đổi thái độ phục vụ, lấy hành khách làm trung tâm. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 86% số người dân được hỏi đều cho rằng nếu hệ thống xe buýt thỏa mãn được một số tiêu chí như chạy đúng giờ, đảm bảo thời gian, thái độ phục vụ tốt, khoảng cách đến - đi các trạm xe buýt không quá xa khu dân cư thì người dân sẵn sàng sử dụng xe buýt.
Song song đó, ngành GTVT cần làm những việc có tính chất vĩ mô hơn như: bổ sung, mở rộng và hoàn thiện mạng lưới, lập thêm các mạng lưới nội quận bằng loại xe nhỏ hơn có sức chứa khoảng 10-15 hành khách để đưa người dân đến với các mạng lưới chính. Xa hơn nữa là thay đổi phương thức quản lý bằng chính quyền giao thông PTA (Public Transportation Authority), mở thêm các tuyến xe buýt nhanh BRT có công năng tương đương tàu điện mặt đất nhưng đầu tư thấp hơn và nhanh hơn...
Còn TS Nguyễn Thị Bích Hằng khuyến nghị: Muốn chủ trương đi vào đời sống cần phải có sự chia sẻ từ hai phía là người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, với người dân cần có sự thay đổi quan điểm nhìn nhận về hệ thống xe buýt theo hướng tích cực để chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.
Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chủ động trong việc tổ chức điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng một cách hợp lý như: điều chỉnh và giảm chuyến đối với những tuyến xe buýt ít khách đi lại; đồng thời tăng chuyến và kéo dài lộ trình hoạt động đối với những tuyến có lượng hành khách đi lại đông.
Sử dụng hệ thống xe buýt nhỏ để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ở các tuyến đường nhánh. Tạo sự liên kết giữa hai hình thức giao thông cá nhân và công cộng như cần có những điểm gửi xe cá nhân miễn phí để người dân có thể yên tâm dùng phương tiện công cộng…
103 hành khách đi xe buýt trúng thưởng Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết, trung tâm vừa triển khai lễ bốc thăm trúng thưởng đợt 2 (từ ngày 1-9 đến ngày 30-9-2011) cho hành khách đi lại bằng xe buýt. Kết quả có 103 hành khách trúng thưởng với 1 giải nhất, 4 giải nhì, 8 giải ba và 90 giải khuyến khích. Phần thưởng là nhiều vé tập đi xe buýt. “Giữ vé và trúng thưởng cùng xe buýt” là chương trình khuyến mãi do trung tâm tổ chức từ 1-8 đến hết ngày 31-10-2011, chia làm 3 đợt. Chương trình dành cho tất cả hành khách khi đi xe buýt sử dụng vé tập hoặc vé lượt trên các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TPHCM. |
Đình Lý