Sở Công thương và Hội LHPN TPHCM vừa ký kết liên tịch, thống nhất triển khai công tác truyền vận động, thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm đối với tiểu thương trên địa bàn TP.
Mục đích của chương trình nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng thương hiệu chợ truyền thống, nâng cao nhận thức cán bộ hội phụ nữ, ban quản lý chợ và tiểu thương kinh doanh thực phẩm về các chủ trương chính sách, quy định pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm. Vận động các hộ tiểu thương thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm cơ sở cho việc bình chọn danh hiệu “Người kinh doanh mới” hàng năm, từng bước thực hiện văn minh thương mại phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế và phát triển của TP. Vận động các tiểu thương tham gia, thực hiện tốt các nội dung đã ký cam kết trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Từ đó nhân rộng mô hình, từng bước huy động các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cùng tham gia thực hiện.
Về nội dung cụ thể, các bên sẽ tổ chức tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38/NĐ-CP và các quy định khác của nhà nước về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực an toàn thực phẩm như chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm; đảm bảo kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, đầy đủ nhãn mác theo quy định, còn hạn sử dụng. Không kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc, quá hạn và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực phẩm kinh doanh phải được kiểm tra, kiểm duyệt về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.
Tiểu thương kinh doanh phải lưu giữ đầy đủ hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Không bày bán các loại hóa chất, sử dụng các phụ gia ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hàng hóa thực phẩm phải được trưng bày, bày bán riêng biệt theo từng ngành hàng; sử dụng từng trang thiết bị, dụng cụ riêng biệt cho từng ngành hàng, mặt hàng đảm bảo không lây nhiễm thực phẩm. Tiểu thương phải trang bị các thiết bị chế biến, sơ chế thực phẩm an toàn, vệ sinh, không gây độc và lây nhiễm vào trong thực phẩm.
Tiểu thương kinh doanh thực phẩm phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo thực hành tốt vệ sinh cá nhân và trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động theo quy định. Tiểu thương phải niêm yết giá đầy đủ và bán đúng giá niêm yết theo quy định của pháp luật,...
Qua chương trình này, TP sẽ phối hợp triển khai dự án mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo an toàn thực phẩm ngành công thương, từng bước thực hiện văn minh thương mại và xây dựng thương hiệu thực phẩm TPHCM.
TH. H.