Vẩn đục!!

Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL hiện nay, cả nước có 7.966 lễ hội bao gồm các lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào và lễ hội văn hóa thể thao - du lịch, nhưng con số này chắc sẽ không dừng lại ở đây vì hiện nay các làng xã đang có khuynh hướng ráo riết phục hồi lại hầu hết lễ hội cổ ngày xưa, nơi nào không có vốn cổ thì cố gắng nảy sinh ra lễ hội mới. Nghĩa là nếu chia đều cho cả năm, mỗi ngày Việt Nam tổ chức 22 lễ hội.

Con số này đã là một điều khó hiểu trước mắt người nước ngoài đối với một nước nghèo như chúng ta. Nhưng riêng tháng Giêng âm lịch, hầu hết các lễ hội dân gian và tín ngưỡng đều được tổ chức đa phần ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nên con số này có thể tăng lên mấy chục lần… Điều đó cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh hơn về hiện trạng bát nháo của các lễ hội đang diễn ra hiện nay.

Trên chủ trương chung, việc phục hồi vốn cổ dân tộc là một điều nên làm, vì đó là tinh hoa, là truyền thống dân tộc. Nhưng có phải chăng chính chúng ta đang đi từ cực này sang cực khác: từ việc xóa sạch đến việc tôn vinh tất cả mà không có tiêu chí chọn lọc kỹ càng. Bởi không phải lễ hội dân gian nào cũng là tinh hoa dân tộc, hơn nữa xét cho cùng sự phục hồi ấy còn phải trên tinh thần của một đất nước đang tiến tới nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nên nhớ, tổ tiên ta cùng với nền văn minh lúa nước, quanh năm làm nông là chính, nên những lễ hội dân gian trong tháng giêng được bày ra mục đích để được vui chơi, giải trí bù lại suốt năm lam lũ trên ruộng đồng. Tháng giêng là tháng ăn chơi, chỉ thích hợp với người xưa nhưng đã hoàn toàn lạc hậu với thời đại ngày nay.

Những lễ hội tín ngưỡng cũng thế, ngày trước, công việc đồng áng hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên việc cúng bái, cầu xin mưa thuận gió hòa là điều thiết yếu, vì nó gắn liền với cuộc sống của con người. Yếu tố tâm linh chính là sức mạnh tinh thần, là chỗ dựa giúp con người thêm nghị lực và ý chí để chống chọi với thiên tai. Nên vấn đề chính của chúng ta là biết chọn lọc những tinh hoa cần giữ gìn và loại bỏ những gì không còn phù hợp.

Có lẽ nói trên mặt lý thuyết, đó là điều ai cũng hiểu nhưng thực thi thì quả là không đơn giản. Lễ hội hiện nay không còn đơn thuần yếu tố tinh thần mà đang bị thị trường khuynh đảo dữ dội. Bởi lễ hội chính là nguồn thu của các địa phương, cho nên tiêu chí hàng đầu của nơi tổ chức lễ hội là phải cuốn hút đông đảo người tham gia. Nhưng muốn cuốn hút được người tứ phương đến thì thường có những trò vui chơi dưới hình thức cờ bạc trá hình, và những hình thức cúng bái, vàng mã, mê tín dị đoan càng phát huy tối đa.

Điều 3 trong Quy chế quản lý lễ hội do Bộ trưởng Bộ VHTT ký vào tháng 8-2001 đã nghiêm cấm Tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi các hủ tục trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; Không được đánh bạc dưới mọi hình thức; Không được đốt đồ mã (nhà lầu, xe ngựa, đồ dùng sinh hoạt)… Văn bản giấy trắng mực đen rõ ràng, nhưng thử hỏi có lễ hội tín ngưỡng nào tuân thủ? Quyết định này ký gần chục năm qua, nhưng mỗi năm dường như các lễ hội càng ngày càng phát triển thêm quá nhiều biến tướng.

Tín ngưỡng dân gian của dân tộc ngày càng bị thị trường chi phối; quy định, quy chế ban hành, nhưng không ai tuân theo và cũng không thấy ai bị khiển trách, bị xử phạt. Năm nào báo chí cũng nêu hiện tượng bát nháo của các lễ hội, phỏng vấn các cơ quan chức năng, và hơn thế, những vấn đề tiêu cực trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị “Đánh giá công tác quản lý của Nhà nước về lễ hội 2007-2008 khu vực các tỉnh phía Bắc” tại Ninh Bình do Bộ VH-TT-DL chủ trì cũng đã lên tiếng về những hiện tượng cờ bạc, bói toán, mê tín, “chặt chém” túi tiền du khách, vệ sinh môi trường..., với một quyết tâm rất lớn là khắc phục những hiện tượng trên.

Nhưng 2 năm đã trôi qua, mùa lễ hội năm nay vẫn không có gì thay đổi, và báo chí vẫn tiếp tục với những điệp khúc xưa cộng thêm những biến tướng ngày càng dữ dội hơn với biết bao hiện tượng mua thần bán thánh hoàn toàn làm vẩn đục không khí tôn nghiêm của lễ hội.

Xin đừng hội thảo, hội nghị nữa mà hãy bắt tay vào với một quyết tâm rõ ràng bằng hành động thực tiễn. Đừng để cho du khách nước ngoài đến với lễ hội văn hóa Việt Nam một đi không trở lại với cái lắc đầu kinh khiếp vì sự phản ngược của hai từ “văn hóa”!!

Ngô Ngọc Ngũ Long

Tin cùng chuyên mục