Mùa du lịch hè năm nay đã khởi động được 1 tháng nhưng tình hình khách đăng ký, mua tour đi du lịch trong dịp hè khá trầm lắng. Ngay cả khi giá tour trọn gói giảm đến 30% nhờ vào sự hợp tác giảm giá vé máy bay, dịch vụ du lịch của các đơn vị tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, tình hình cũng chẳng khá hơn.
Du lịch hè trầm lắng
Mùa du lịch lễ 30-4, 1-5 vừa qua khá ảm đạm, các doanh nghiệp (DN) du lịch đặt hy vọng vào mùa hè. Tuy nhiên, sang mùa hè thị trường du lịch vẫn diễn ra khá trầm lắng, nhất là đối với các tour du lịch trong nước. Điều này trái ngược hẳn với những mùa du lịch hè trước đây, trong mùa du lịch hè năm 2011 đã có có sự bùng nổ, vượt ngoài dự báo của DN, khi mà tăng trưởng khách đạt trên 30%. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mùa hè đã đi qua 1/3 mà lượng khách đăng ký tại các công ty du lịch chẳng tăng là mấy! Nguyên nhân rõ nhất ảnh hưởng đến việc này là kinh tế khó khăn. Thay vì mua tour trọn gói như trước đây, xu hướng hiện nay người dân lại chọn cách tự đi du lịch, hoặc chỉ đặt các dịch vụ vận chuyển, khách sạn.
Trước đây, thị trường khách nội địa còn bỏ ngỏ, các DN lữ hành trong nước chỉ quan tâm, đua nhau khai thác thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, nhiều DN đã chuyển hướng quay lại khai thác thị trường khách nội địa, đưa tăng trưởng khách du lịch nội địa trong vài năm nay lên mức 25%-30%/năm, đạt 30 triệu lượt khách nội địa trong năm 2011. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, phân khúc thị trường khách nội địa ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để DN khai thác. Với dân số gần 90 triệu dân nhưng hiện chỉ có 30 triệu lượt khách/năm thì ngành du lịch vẫn chưa khai thác hết thị trường trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc có 1,3 tỷ dân nhưng đã có 1,2 tỷ lượt khách du lịch nội địa, doanh thu từ du lịch nội địa chiếm đến 70%-80% doanh thu của ngành.
Luật Du lịch hiện còn nhiều hạn chế, khi nhiều DN quay trở lại khai thác thị trường nội địa đã dẫn đến cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Theo ông Phạm Đức Hòa, Phó phòng Du lịch nội địa Saigontourist, ngoài yếu tố khách quan kinh tế khó khăn tác động đến đến việc kém sôi động của mùa du lịch hè năm nay, việc có nhiều DN du lịch làm ăn chụp giựt, bán tour kém chất lượng trong thời gian gần đây đã gây tâm lý e ngại của người dân về tour kích cầu giá rẻ.
Tour rẻ vẫn chưa hút khách
Chương trình kích cầu du lịch nội địa triển khai khá thành công trong năm 2009 và 2010, lượng khách đăng ký tour kích cầu tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Dù không được tiếp nối trong năm 2011 nhưng việc Vietnam Airlines (VNA) đồng ý tham gia vào chương trình kích cầu năm 2012 do Hiệp hội Du lịch TPHCM (HTA) tổ chức đã tạo thêm động lực cho du lịch nội địa, nhất là trong thời điểm ngành du lịch gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Và càng vui hơn khi mới đây, Hãng hàng không Vietjet Air (VA) cũng đã cam kết tham gia vào chương trình. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực HTA, cho biết, HTA đánh giá cao sự hợp tác, nhiệt tình tham gia của các hãng hàng không và các đơn vị du lịch ở điểm đến. Việc có thêm một hãng hàng không tham gia bán vé máy bay giá rẻ thì cơ hội mua được tour giá rẻ của người dân tăng lên. Để chương trình đạt hiệu quả, HTA sẽ giám sát tốt chất lượng tour để người dân được hưởng đúng chính sách chương trình đưa ra.
Chương trình bán vé máy bay giá rẻ, giảm đếm 40% của VNA được áp dụng từ tháng 5-2012. Với mức giảm giá này, cộng với sự hỗ trợ, tham gia từ các dịch vụ du lịch nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan tại các điểm đến, 19 DN lữ hành tham gia nhóm kích cầu của VNA đã xây dựng, đưa ra giá bán tour trọn gói, giảm đến 30%-35% so với giá bán tour thông thường. Với mức giảm này, tour trọn gói đi trên các đường bay khuyến mãi từ TPHCM đến Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc giảm mạnh, có tour giảm hơn 3 triệu đồng. Thế nhưng sau gần 2 tháng triển khai, tour kích cầu vẫn chưa hấp dẫn du khách, lượng khách đăng ký mua tour chưa được như ý muốn. Theo thống kê của nhóm kích cầu tại TPHCM, hiện chỉ có khoảng 5 DN trong nhóm khai thác bán được 450 vé tour kích cầu chủ yếu đi Hà Nội, Phú Quốc, các đơn vị còn lại vẫn chưa bán được. Theo các DN, lý do dẫn đến hạn chế này nằm ở yêu cầu đăng ký, đặt chỗ mua vé trước vài tháng mà VNA đưa ra. Điều này không thuận lợi vì đối với khách nội địa thường có thói quen mua tour cận ngày khởi hành. Hơn nữa, chính sách này trở nên kém cạnh tranh khi cùng lúc trên hệ thống bán vé của VNA vẫn có các chương trình vé khuyến mãi hấp dẫn như nhau, trong khi thể thức đặt vé, giờ và ngày khởi hành trên hệ thống thuận lợi hơn.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, Phó Trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa tại TPHCM, cho biết, để tháo gỡ nút thắt hiện nay, nhóm khuyến mãi đưa ra một số kiến nghị để VNA xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, VNA có thể áp dụng thời gian đặt vé cho DN trước ngày khởi hành khoảng 15-20 ngày. Được như vậy, các DN sẽ chủ động khai thác được khách đoàn, lượng khách chủ lực trong mùa cao điểm hè. Nếu áp dụng chính sách đặt vé như hiện nay thì DN không dám đặt vé do chưa có khách, hoặc lo sợ chịu phí hủy vé do đặt trước mà không có khách theo dự kiến. Để được tham gia vào chương trình, thành viên nhóm khuyến mãi đã giảm giá, thậm chí giảm lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của VNA. Do vậy, nhóm cũng đề nghị VNA nên có chính sách, điều kiện mua, có khoản ưu đãi hơn so với chính sách vé bán trên hệ thống.
Mỹ Hạnh