Văn hóa doanh nghiệp

Những vụ việc như VN Pharma nhập thuốc điều trị ung thư giả, lô tôm có đóng đinh vào đầu cho nặng cân bị Nhật Bản trả về, hay gần đây nhất là vụ việc hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi vào lò mổ bị phát hiện, một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về văn hóa doanh nghiệp.

 

Mới đây, hình ảnh lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu của Nhật Bản tại Hà Nội đứng dưới trời mưa cúi đầu cảm ơn khách hàng đã liên tục được chia sẻ và làm nóng các trang mạng xã hội.

Với người Nhật Bản, hành động cúi đầu chào thể hiện sự trân trọng, mến khách và đó được coi là nét văn hóa đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và ngay tại các quán bán hàng ăn uống theo phong cách Nhật, không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên cúi chào khách theo chuẩn văn hóa này.

Song, riêng với xăng dầu, nơi mà khách hàng giống như những con “cừu” ngoan ngoãn tới mức thay đổi cả thói quen tiêu dùng, là mua chẵn tiền cho tiện thanh toán, chứ không còn tính toán theo đơn vị đo lường, thì việc một vị tổng giám đốc cầm dù đứng giữa trời mưa cùng nhân viên cúi chào từng vị khách tại trạm xăng thực sự gây bất ngờ. Sự việc này cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, song rất nhiều người vô cùng hân hoan, bởi nó không chỉ là hành động thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng, mà còn thể hiện văn hóa của doanh nghiệp.

Trông người lại ngẫm đến ta. Tại một doanh nghiệp làm phim trong nước, nơi được thừa hưởng nền tảng 60 năm điện ảnh Việt, đã và đang xảy ra những hành động, phát ngôn được cho là thiếu văn hóa, thiếu tình người. Lời qua tiếng lại giữa người quản lý và nhân viên lùm xùm tới mức người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL phải thốt lên rằng bộ đã nhiều lần nhắc nhở, đề nghị điều chỉnh phát ngôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục… Tình hình nội bộ doanh nghiệp vẫn đang diễn biến khá căng thẳng, khi nhiều nghệ sĩ trong hãng và ban lãnh đạo mới của hãng phim không tìm được tiếng nói chung.

Phân tích những mâu thuẫn ngày càng gay gắt xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (VFS), một số người cho rằng đó là sự xung đột về quyền lợi, chênh nhau về phông văn hóa, sốc do chuyển đổi từ mô hình bao cấp - sống dựa vào ngân sách của Nhà nước sang mô hình doanh nghiệp… Song điều có thể dễ nhìn ra nhất là do sự thiếu vắng của cái gọi là văn hóa doanh nghiệp. Sẽ không là quá khi có chuyên gia nhận định rằng, văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, là tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, văn hóa doanh nghiệp giúp ta giảm xung đột; điều phối và kiểm soát; tạo động lực làm việc; tạo lợi thế cạnh tranh...

Nếu Nhật Bản được coi là nước xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp lâu đời thì khái niệm này ở Việt Nam chỉ mới được nhắc đến nhiều vài năm gần đây. Trước ý nghĩa cũng như yêu cầu cấp bách trong vấn đề hội nhập, với mong muốn trang bị đầy đủ hành trang cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế, năm 2016, Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 10-11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cùng đó là cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và giao cho Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chủ trì triển khai.

Về lý thuyết, theo ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, bản dự thảo tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp/doanh nhân Việt Nam” cũng đã cơ bản hoàn thành sau nhiều hội thảo, tọa đàm được tổ chức. 4 vấn đề được quan tâm nhất liên quan văn hóa doanh nghiệp: Thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh... Đây được coi là thước đo góp phần điều chỉnh hành vi doanh nhân trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Những thang điểm, tiêu chí được đưa ra được cho là khá tỉ mỉ, chi tiết. Song để văn hóa thực sự lan tỏa và trở thành một hành trang đối với doanh nghiệp còn là cả một quá trình thay đổi nhận thức.

Tin cùng chuyên mục