Văn hóa kỷ niệm

Năm nay (2010) nước ta có nhiều ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng. Tiếp theo lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-2) là những lễ kỷ niệm trọng thể: Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và điểm nhấn quan trọng nhất là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Có nhiều sự kiện lịch sử kỷ niệm là niềm tự hào đối với mọi người dân. Do vậy, khắp nơi trên cả nước sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm. Quy mô, tầm mức có thể khác nhau, nhưng hết thảy các hoạt động kỷ niệm đều có chung mục đích, yêu cầu: Tôn vinh các giá trị lịch sử, khẳng định và nâng cao các giá trị hiện tại. Đây có thể coi là bản chất của hoạt động kỷ niệm. Có xác định rõ bản chất này mới có thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo đúng với chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Các hoạt động kỷ niệm phải được tổ chức trọng thể, thiết thực gắn với đời sống xã hội.

Hoạt động kỷ niệm nào cũng có hai nội dung: Lễ và hội. Phải nói ngay, lễ, hội của kỷ niệm khác biệt so với lễ hội của các lễ hội cổ truyền, dân gian. Nội hàm văn hóa trong lễ, hội kỷ niệm bao gồm các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa. Bản sắc văn hóa trong lễ hội kỷ niệm mang dấu ấn của bản sắc văn hóa dân tộc - hiện đại.

Nếu văn hóa lễ hội cổ truyền, dân gian có chuẩn mực riêng thì lễ hội kỷ niệm cũng có chuẩn mực riêng. Lễ có chuẩn mực văn hóa lễ. Hội có chuẩn mực văn hóa hội. Đã là lễ kỷ niệm, dù ở quy mô nào cũng cần phải trang nghiêm, trân trọng (gọi tắt là trang trọng). Chuẩn văn hóa cho sự trang trọng phải được thể hiện rõ từ nội dung đến hình thức. Hình thức phải phù hợp với nội dung. Chuẩn văn hóa lễ còn phải được thể hiện trong nghi thức, diễn văn, phát biểu và thời gian. Thời gian lễ kỷ niệm dài quá hay ngắn quá cũng sẽ làm mất đi sự trang trọng, tôn nghiêm.

Với phần hội trong các hoạt động kỷ niệm cũng cần xác định rõ các chuẩn mực, tiêu chí. Hội trong kỷ niệm là ngày hội toàn dân với tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng để “ôn cố tri tân”. Tầm cao văn hóa trong hoạt động kỷ niệm không chỉ thể hiện ở quy mô tổ chức, dung lượng thời gian hay số lượng các chương trình văn hóa nghệ thuật. Tầm cao này nhất thiết phải được thể hiện ở các hoạt động văn hóa, xã hội chăm lo đời sống người dân, đền ơn đáp nghĩa và những hoạt động văn hóa gắn kết cộng đồng tăng thêm niềm tự hào, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, đất nước.

Có thể nói, tinh thần chỉ đạo của Trung ương đối với các hoạt động kỷ niệm năm nay nhất thiết phải được quán triệt, thấm nhuần sâu sắc ở các đơn vị cơ sở, địa phương. Trọng thể, thiết thực để tránh rườm rà, lãng phí, để loại bỏ những tạp chất thiếu văn hóa trong hoạt động kỷ niệm. Tóm lại, hoạt động kỷ niệm các sự kiện lịch sử chính là hoạt động văn hóa, xã hội đoàn kết toàn dân hướng tới tương lai tốt đẹp. Đó cũng là đặc trưng của văn hóa kỷ niệm.

Trần Văn

Tin cùng chuyên mục