Văn hóa phê bình

Trong đời sống thường ngày, ở mọi tầng lớp xã hội, việc nhận xét, góp ý, nhắc nhở, phê phán, khen, chê (xin gọi tắt là phê bình, tự phê bình) là điều tất yếu, là vấn đề thường xuyên. Có thể khẳng định, phê bình là một động lực để phát triển hoàn thiện con người và tiến bộ xã hội. Từ xa xưa, người Việt Nam ta đã ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của tự phê bình – phê bình. Trong dân gian lưu truyền nhiều lời răn, dạy về vấn đề này: “Uốn ba tấc lưỡi hãy nói”; “ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”; “ngửa mặt lên trời mà nhổ, nước miếng rơi xuống mặt mình”…

Có thể nhận thấy, người Việt Nam ta đã xây dựng và phát triển văn hóa phê bình và xác định đấy là một trụ cột quan trọng hàng đầu của văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa xã hội và gia đình. Hiện tại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nội dung kiểm điểm tự phê bình – phê bình có tầm quan trọng hàng đầu.

Xin có đôi lời bàn luận thêm về văn hóa phê bình. Nói tới văn hóa, người ta thường nói tới các chuẩn mực. Với văn hóa phê bình, chuẩn mực đầu tiên là mục đích xây dựng, hướng thiện. Phê bình để giúp mình, giúp người khác tự hoàn thiện nhân cách, tài năng, để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, thành công thành đạt nhiều hơn.

Tính mục đích giúp người – giúp mình phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Có thể nói, đây là mục đích nhân văn xuất phát từ sự thẳng thắn, trung thực, yêu, ghét rõ ràng. Có yêu cái tốt, ghét cái xấu mới có được chính kiến rõ ràng để việc phê bình đạt được mục đích giúp người. Chuẩn mực thứ hai trong phê bình là sự thật. Khen, chê phải đúng sự thật. Chuẩn này có tầm quan trọng đặc biệt, có tính quyết định cho hiệu quả phê bình.

Việc góp ý phê bình, phê phán phải rất cụ thể đúng với bản chất sự việc. Không đúng sự thật việc phê bình sẽ phản tác dụng, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Chuẩn mực thứ ba là tính cảnh báo. Giá trị của phê bình là chỉ ra được những sai sót, khuyết điểm ở mức độ nào và cảnh báo những nguy hiểm tác hại sau đó nếu không nhanh chóng khắc phục sửa chữa.

Xin được nói thêm, phê bình cũng cần phải chú ý tới liều lượng, thời điểm. Thực tế cho thấy, nếu bám sát mục đích nhân văn, việc phê bình sẽ được thực hiện nghiêm túc, thân tình. Với sự nghiêm túc, thân tình, tính xây dựng trong phê bình được nêu cao. Phê bình có sức thuyết phục hay không, có đạt hiệu quả cao hay không tùy thuộc và tâm ý, vào tấm lòng, vào ý thức xây dựng.

Nói tóm lại, các chuẩn của văn hóa phê bình là nền tảng cho sức thuyết phục. Và, thuyết phục chính là đặc trưng của văn hóa phê bình. 

HOÀNG TÂN

Tin cùng chuyên mục