Trong binh pháp Tôn Tử (nhà quân sự tài giỏi của Trung Quốc thời xưa) có nói: Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng. Đây có thể coi là một luận thuyết lớn, không chỉ ở giá trị quân sự, triết học, kinh tế mà còn có giá trị văn hóa. Bởi lẽ, biết mình, biết người luôn là vấn đề có tính thời sự trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế cho thấy, trong công việc, trong giao tiếp và cách ứng xử hàng ngày, mối quan hệ “mình”, “người” là một vấn đề có tính quyết định cho sự thành công, cho đẳng cấp văn hóa và đạo đức.
Có thể nói vấn đề này rất rộng lớn, một bài viết nhỏ không thể nói hết được, chỉ xin đề cập đến chuyện thi cử của các thí sinh – một vấn đề “nóng” trong thời gian này.
Thi cử không phải là đánh trận, cũng không phải là chuyện kinh doanh. Đó là vấn đề học tập và rèn luyện nhân cách con người. Một vấn đề bình thường trong cuộc sống. Vậy thì, luận thuyết “biết mình, biết người” soi sáng gì trong chuyện này?
Như đã nói ở trên, “biết mình, biết người” là một vấn đề văn hóa. Tầm mức văn hóa hiện diện rất rõ ở chuyện thi cử.
Trước hết, xin nói về vấn đề “biết mình”. Không chỉ ở binh pháp Tôn Tử, ai ai cũng biết “biết người đã khó, biết mình còn khó hơn”. Suy ra từ đó, cho thấy người có văn hóa là người biết rõ mình. Biết hoàn cảnh sống của mình như thế nào, tài năng, phẩm hạnh, sức lực của mình ra sao. Khi các thí sinh biết được sức học và hoàn cảnh kinh tế của gia đình mới có thể chọn lựa đúng ngành thi, trường thi. Sống trên đời, ngay từ thuở ấu thơ, ai cũng có đam mê, ai cũng có hy vọng. Đấy là điều kiện tiên quyết cho thành công. Nhưng nếu không có sự tỉnh táo điều chỉnh, người ta dễ bị ngộ nhận, ảo tưởng.
Mùa thi cử chính là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời, đòi hỏi thí sinh phải tỉnh táo biết rõ mình. Giống như chạy marathon, người khỏe đến đích trước, người yếu đến đích sau. Người xưa, người nay đều nói: Không sợ nhanh, chậm chỉ sợ sai hướng. Biết mình để định hướng đúng cho hoài bão hy vọng của mình, trở thành người có ích trong xã hội, cho đất nước và gia đình chính là một biểu hiện của văn hóa.
Cũng cần nói thêm “biết mình, biết người” là một kết cấu hữu cơ hoàn chỉnh. Không thể biết rõ mình nếu không biết rõ người. Trong thi cử, vấn đề “biết người” có ý nghĩa bản lề, hết sức quan trọng. Chúng ta đang xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thi cử là cuộc kiểm tra năng lực, tạo điều kiện để người lao động làm việc tốt hơn. Hiểu rõ điều này sẽ loại bỏ được sức ép không đáng có của thi cử. Học đại học là một điều tốt. Học nghề cho giỏi cũng là một điều hay. Vả lại, xã hội chúng ta là xã hội học tập. Rất nhiều công cụ phục vụ cho việc học. Kiến thức luôn trải rộng ở khắp nơi. Giảng đường đại học không phải là nơi duy nhất để học tập và lập thân lập nghiệp.
Nói tóm lại, khi nói tới chuyện thi cử là nói tới vấn đề biết mình, biết người. Văn hóa thi cử cũng lấy đó làm gốc để hình thành nhận thức; thi cử là để nhìn lại mình, vượt lên chính mình, là sự phát triển.
Đôi điều bày tỏ để bạn đọc tham khảo. Có gì chưa hợp lý xin được lượng thứ.
Tân Văn