Vừa qua, trên VTV1, trong chương trình thời sự có phát hình ảnh một số trẻ em vùng rừng núi vượt sông trong mùa lũ để đến lớp học. Hình ảnh bé gái chừng 11-12 tuổi vượt qua những cơn sóng dữ băng qua dòng nước đục ngầu chảy xiết gây ấn tượng đẹp không chỉ ở khát vọng học tập, lòng dũng cảm mà còn ở năng lực tự vệ trong khó khăn gian khổ. Về miền Tây trong mùa lũ, người viết cũng chứng kiến rất nhiều hình ảnh đẹp này.
Thực ra, vấn đề tự vệ là vấn đề chung của cuộc sống, của nhân loại, của tất cả các thể chế xã hội. Không ai sống trên đời mà không có ý thức tự bảo vệ mình. Không có năng lực tự vệ có khác chi cơ thể người không có sức đề kháng. Người ta khó có thể sống được nếu sức đề kháng không còn. Có thể khẳng định, tự vệ là một bản năng của sự sống. Trong lĩnh vực sinh học và tinh thần, cơ chế tự vệ tạo ra những phản ứng để hóa giải sự xâm lấn của ngoại cảnh đe dọa đến sự tồn tại. Tuy nhiên, ở phạm trù văn hóa, cơ chế tự vệ đòi hỏi sự phát triển và hoàn thiện ở mức độ cao hơn. Cơ chế này không chỉ hoạt động để tồn tại thực trạng, nó còn hoạt động để gia tăng mức độ phát triển.
Con người phát triển được như ngày nay là do cơ chế này. Nó giúp người ta nhận thức rõ ràng về mối quan hệ trong xã hội. Giúp người cũng là giúp mình là một đạo lý của cuộc sống. Tấn công loại bỏ cái xấu, cái ác là một phương thức tốt nhất để bảo vệ cái đúng đắn, cái đẹp, cái chân thiện mỹ.
Hàng ngày, trong cuộc sống hôm nay, người ta luôn phải chứng kiến những sự kiện không vui, những hiện tượng đau lòng, xót xa. Vẫn còn những cái chết thương tâm do tai nạn giao thông, do đuối nước vì không biết bơi, do nghiện ngập, do thiếu hiểu biết… Vẫn còn tình trạng trẻ em, người lớn dùng dao, súng để giải quyết những tranh chấp vụn vặt. Vẫn còn những thói ích kỷ, vô cảm, chỉ biết lo cho cá nhân. Vẫn còn tệ tham nhũng xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích người khác và xã hội.
Không một ai, dù là người mộng mơ nhất cũng không thể có ảo tưởng thực trạng trên có thể được giải quyết dứt điểm bằng công tác quản lý xã hội, bằng biện pháp hành chính trong thời gian ngắn! Đây là vấn đề của sự phát triển con người, của thế kỷ. Tuy nhiên, vấn đề trên có thể giải quyết được ở mức cơ bản, giảm thiểu những cái ác, cái xấu một khi trong mỗi người từ cán bộ lãnh đạo tới người dân bình thường, từ người lớn đến trẻ em có được “văn hóa tự vệ”.
“Văn hóa tự vệ” chỉ có thể hình thành và phát triển khi có được một nền tảng đạo đức và ý thức tôn trọng pháp luật. Tiếp đó, cần hội tụ những yếu tố căn bản của năng lực tự vệ như thể lực, trí lực, sự hiểu biết rộng rãi và những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống đương đại. “Văn hóa tự vệ” bắt đầu từ gia đình, nhà trường. Trên ghế nhà trường, ngoài kiến thức, các em cần được bồi dưỡng, rèn luyện những kỹ năng cơ bản như biết cách tự chăm sóc mình và chăm sóc, yêu thương quý trọng người khác. “Văn hóa tự vệ” không chỉ là “Văn hóa phòng bệnh”. Đấy còn là văn hóa phát triển để tạo nên sự thành công và hạnh phúc.
Trần Văn