Sáng 21-4-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo dừng ngay việc hình sự hóa hành vi vi phạm hành chính trong vụ việc người dân bị xử lý hình sự do chậm đăng ký kinh doanh ở huyện Bình Chánh. Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đồng thời tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan, nếu sai phạm lớn có thể tiến hành tạm đình chỉ công tác cán bộ.
Trước đó, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và lãnh đạo UBND TPHCM đã lập tức chỉ đạo khẩn trương làm rõ vụ việc, lấy lại niềm tin của nhân dân, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Như vậy, chỉ trong vòng ba ngày sau khi dư luận phản ánh một vụ việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại có tác động xã hội rất lớn đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo xử lý.
Người dân hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TPHCM đã có thái độ rất nghiêm túc, đầy trách nhiệm khi nhanh chóng chỉ đạo xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, cũng từ vụ việc này, có nhiều ý kiến đặt ra rằng: Công an làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm, chứ lẽ nào lại trấn áp người dân; cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những sai phạm trong hành xử công vụ làm xấu đi hình ảnh công an trong mắt người dân.
Trong tình hình mới, ngành công an quan tâm rèn luyện, xây dựng phẩm chất cần thiết của người công an nhân dân, duy trì và thực hiện nghiêm nền nếp chính quy, xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử có văn hóa vì nhân dân phục vụ, tạo lòng tin trong nhân dân. Đã có những việc làm thiết thực như mở lớp tập huấn về văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong cho chiến sĩ cảnh sát; phát động phong trào xây dựng hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ công an; vận động chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ; học tập thực hiện “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”, mở diễn đàn “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; cải cách hành chính trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội...
Thế nhưng, thực tế ngay cả nhiều cán bộ lãnh đạo trong ngành công an cũng không khỏi trăn trở vì hình ảnh công an trong mắt người dân đã ít thân thiện. Bị “mất điểm” nhiều nhất là cảnh sát giao thông, do có không ít cảnh sát giao thông lơ là việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, mà chỉ “rình” bắt phạt với hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, đòi “tiền mãi lộ” trắng trợn. Trong cán bộ công an một số địa phương cũng có những sai phạm, như: thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống tội phạm; vì non yếu nghiệp vụ hoặc vì động cơ tiêu cực mà cố tình hình sự hóa hành vi vi phạm hành chính; nhận hối lộ rồi dung túng cho những hoạt động phạm pháp; hành xử thô bạo với dân...
Gây dựng lại niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt người dân đang là vấn đề rất quan trọng và cấp bách của ngành công an. Gần đây, các lực lượng công an đã liên tiếp điều tra khám phá thành công nhiều vụ trọng án hình sự, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn. Những chiến công đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ pháp luật và hạn chế những thiệt hại về kinh tế - xã hội; đồng thời củng cố niềm tin của người dân và khẳng định quyết tâm xây dựng lực lượng công an nhân dân tinh nhuệ, dũng cảm và tận tụy vì dân.
Mới đây, qua những hình ảnh trên báo, đài và mạng xã hội, người dân được chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ công an rất nhiệt thành và đầy trách nhiệm khi ân cần bế các cháu bé và đưa những người cao tuổi vượt thoát ra khỏi đám đông đang chen lấn rất nguy hiểm dưới nắng oi bức tại Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ. Những hình ảnh, việc làm đó khiến người dân rất cảm động, thể hiện rõ tinh thần “tận hiếu với dân”.
Song, vẫn còn nhiều phần việc cần làm, cần chấn chỉnh để mỗi cán bộ, chiến sĩ công an quán triệt nguyên tắc kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời khôn khéo, linh hoạt, bình tĩnh giải quyết tốt các yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật, gây dựng lại hình ảnh đẹp, thận thiện trong mắt người dân. Có những kẻ tội phạm rất manh động và có không ít người dân chưa tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Do vậy, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an rất khó khăn, phức tạp, phải đối mặt hiểm nguy và nhiều tình huống nan giải. Song, không thể vì vậy mà buông lỏng kỷ cương, thiếu thanh tra kiểm soát, dung túng cho những hành vi sai phạm trong cán bộ, chiến sĩ công an, như thiếu trách nhiệm, tiêu cực, lạm quyền, nhũng nhiễu nhân dân.
HUỲNH THANH LUÂN