(SGGP).- Chiều 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp, nghe và cho ý kiến Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011 của Chính phủ.
Bản báo cáo cho biết, từ 1-10-2010 đến 30-7-2011, cơ quan điều tra các cấp khởi tố 163 vụ án, 349 bị can; Viện kiểm soát các cấp khởi tố 191 vụ, 391 bị can; tòa án xử 106 vụ với 409 bị can liên quan đến tham nhũng. Từ tháng 8-2010 đến tháng 7-2011, thiệt hại do tham nhũng gây ra là 11.400 tỷ đồng, thu về ngân sách 300 tỷ đồng. Trong đó, tham ô chiếm 50% số vụ với 45% số bị can.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận, công tác phòng chống tham nhũng tuy đã đạt một số kết quả tích cực, song “vẫn chưa có chuyển biến đột phá”. Các loại tội phạm đều tăng về số vụ, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, phức tạp; một số vụ án tham nhũng lớn, có những vụ án khởi tố cách đây nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thiệt hại do tham nhũng lên đến 11.400 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được 300 tỷ đồng (2,6%) là rất hạn chế. “Có vụ sai phạm nhiều tỷ đồng, hàng trăm hécta đất nhưng chỉ… rút kinh nghiệm”, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bình luận.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phát hiện hành vi tham nhũng còn ít là do “hành vi tố cáo tham nhũng có thể khiến người tố cáo bị nguy hiểm”, Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp nhận định. Có mặt tại phiên họp, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cũng xác nhận thực tế này và yêu cầu bổ sung nội dung bảo vệ người tố cáo tham nhũng vào hệ thống văn bản pháp luật.
Đáng lưu ý, Báo cáo của Chính phủ lần này đưa ra đề nghị thí điểm mô hình Bí thư hoặc Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (thay vì Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm như hiện nay). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đề xuất này là chưa đủ căn cứ. Ông cho rằng, trong lúc các cơ quan còn chưa có tổng kết, đánh giá xem mô hình Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh có những hạn chế gì cũng như cần khắc phục như thế nào thì việc đề xuất thí điểm như trên là hơi vội vàng.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng họp cho ý kiến về báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Chính phủ. Theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hiện tượng vi phạm pháp luật, lãng phí đã và vẫn đang tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư… đến quyết toán công trình.
Sáng 14-10, vấn đề lương của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) và dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH hội năm 2012 đã được UBTVQH xem xét trong khuôn khổ phiên họp thứ 3.
Báo cáo của Chính phủ về chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, viên chức ngành BHXH, nhận định, với mức thu nhập hiện nay, cán bộ viên chức trong ngành này không yên tâm làm việc. Trong 4 năm qua, kể từ khi thực thi Luật BHXH, số nhân sự bỏ việc, chuyển khỏi ngành lên tới trên 1.300 người.
Chính phủ kiến nghị, về lâu dài đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về vấn đề này. Trước mắt, đề nghị UBTVQH cho áp dụng mức chi tiền lương, tiền công bình quân toàn ngành không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức do Nhà nước quy định (tương tự một số ngành có đặc thù như Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan…). Nếu tiết kiệm được kinh phí quản lý bộ máy được giao thì khoản tiền tiết kiệm được sẽ được sử dụng trích lập các quỹ theo quy định hiện hành và chi bổ sung thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành…
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhất trí với việc phải điều chỉnh tiền lương, thu nhập cho ngành BHXH, song yêu cầu xem xét lại cụ thể cách thức tăng lương, phụ cấp để đảm bảo cân đối ngân sách và công bằng xã hội giữa các ngành, lĩnh vực.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngành BHXH chú trọng hiện đại hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả làm việc, vì không thể tăng mãi biên chế và lại càng không thể vừa tăng biên chế vừa tăng lương, phụ cấp.
Liên quan đến chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2012, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhất trí đưa đầu tư công vào dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2012. Đây cũng là nội dung được nhiều đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị đưa vào chương trình giám sát.
Anh Thư