Từ bao lâu nay vấn nạn taxi dù trên địa bàn TPHCM, đô thị lớn nhất nước, vẫn là một vấn đề thuộc loại “biết rồi, khổ lắm” và… chưa có thuốc đặc trị!
Biết rồi, khổ lắm…
Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy bình quân cứ 15 taxi đang hoạt động thì lại có 1 taxi dù. Mặc dù các ngành chức năng vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra và sau mỗi đợt ra quân tăng cường xử lý taxi vi phạm, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý rất nhiều trường hợp với số tiền phạt thậm chí lên tới vài tỷ đồng nhưng xem ra vẫn chưa thể đưa taxi vào hoạt động quy củ. Các lỗi vi phạm phổ biến là dừng đỗ tùy tiện, không có giấy phép kinh doanh, không gắn hộp đèn taxi, đồng hồ tính tiền không kẹp chì, không gắn lô gô của hãng taxi, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định…
Một điểm đáng chú ý là những taxi dù, taxi nhái nhãn hiệu thường tập trung hoạt động ở khu vực công cộng, thị tứ sầm uất như trước nhà ga, các bến xe, bệnh viện, khách sạn… Có thể nhắc đến các điểm nóng như khu vực Chợ Bến Thành, khu vực Bến Bạch Đằng, khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường thuộc địa bàn quận 1 vốn dĩ đông du khách nước ngoài như Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… Một trong những hệ quả là sự tụ tập đó vô hình trung gây mất trật tự giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Thực trạng là vậy nhưng người ta không khỏi chạnh lòng khi đi sâu tìm hiểu nguồn cơn dẫn đến vấn nạn taxi dù dai dẳng, chưa thấy dấu hiệu sẽ kết thúc. Theo nhận định của ngành chức năng, tựu trung có 4 lý do dẫn đến vấn nạn này.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu là các đơn vị hợp tác xã hoạt động dưới hình thức dịch vụ hỗ trợ nên khâu quản lý tổ chức có phần lỏng lẻo. Thường hợp tác xã chỉ giải quyết một số dịch vụ cho xã viên, còn mọi hoạt động kinh doanh vận tải do xã viên tự quyết định, vì thế không thể tạo ra thương hiệu để cạnh tranh với các thương hiệu khác. Trong bối cảnh ấy, một bộ phận xã viên, để có lãi và tồn tại, đã nhái các biểu trưng, logo của các thương hiệu lớn, ăn khách nhằm qua mặt hành khách, nếu không muốn nói là đánh lừa hành khách.
Trong hai năm vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã thu hồi giấy phép kinh doanh của hai đơn vị vận tải có đăng ký chức năng hoạt động taxi. Từ đây số lượng xe của hai đơn vị này không còn được Sở GTVT cấp phù hiệu taxi nên họ chuyển sang diện… taxi dù!
Liên quan đến các quy định của Nhà nước, hồi tháng 6-2010, UBND TP đã chấp thuận chủ trương không cho tăng thêm đầu xe taxi hoạt động trên địa bàn nên các doanh nghiệp mới không được kinh doanh taxi. Các chuyên gia nhận định đấy cũng là nguyên nhân phát sinh lượng taxi dù tại TP.
Ngoài ra một số hãng taxi của các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đưa taxi của hãng họ lên hoạt động tại TP nhưng ngành chức năng TP lại không quản lý họ.
Xác định “đột phá khẩu”
Những người am tường địa hạt này cho rằng chỉ có thể xử lý tận gốc rễ những tồn tại, hạn chế nếu kiểm soát tốt các doanh nghiệp ngành taxi, chứ nếu chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của lái xe khi điều khiển phương tiện vi phạm trên đường thì sẽ không hiệu quả, bởi vì việc làm đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn! Trong khi đó, theo một lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TPHCM, trên thực tế tình trạng các doanh nghiệp taxi cho thuê xe, bán thương hiệu rồi thu tiền lái xe hàng tháng mà buông lỏng nếu không muốn nói là không hề quản lý là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trộm cắp của khách, trộm cước taxi, dừng đỗ bừa bãi… Biết thế nhưng lại không có cơ sở pháp lý để “xử” các đơn vị taxi bởi vì các quy định tại Luật Doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ và các thông tư, quyết định của bộ đều không có điều khoản nào cấm.
Có một thực tế là chính những lợi thế cạnh tranh, hơn nữa lợi thế không phải ít của taxi dù, taxi nhái đã vô hình trung khiến cho vấn nạn này tồn tại dai dẳng và “giỏi” biến hóa để đối phó với cơ quan chức năng lẫn chính hành khách. Chẳng hạn như lái xe taxi dù, taxi nhái không phải mất một phần ăn chia với doanh nghiệp; không phải đóng thuế; tự do định giá cước hoặc cân chỉnh đồng hồ tính cước để “chém” hành khách. Nói cách khác, hóa giải được những lợi thế cạnh tranh này sẽ đồng nghĩa hóa giải được vấn nạn taxi dù, taxi nhái.
Cũng có ý kiến cho rằng cần có sự hợp đồng tác chiến nếu muốn giải quyết căn cơ vấn đề. Một giới chức sở GTVT nhận xét rằng biện pháp tốt nhất và hầu như duy nhất để giải quyết nạn taxi dù, taxi nhái là phải có sự kết hợp đồng bộ của nhiều lực lượng, bao gồm Thanh tra GTVT, cảnh sát giao thông (CSGT), bản thân các hãng taxi, chính quyền địa phương nơi taxi dù, taxi nhái hoành hành. Trong phương án phối hợp này, chính doanh nghiệp taxi sẽ góp phần phát hiện, phản ánh kịp thời với lực lượng chức năng; Thanh tra GTVT cùng với CSGT tập trung xử lý và xây dựng kế hoạch tuần tra, xử lý một cách hiệu quả; chính quyền địa phương cần nắm vững địa bàn, khoanh vùng “điểm nóng” hoạt động của taxi dù, taxi nhái, từ đó phối hợp với Thanh tra GTVT và CSGT lên phương án bắt nóng phương tiện vi phạm.
THIỆN NHÂN