Vấn nạn trọng tài

Cách đây hơn 5 năm, trong vụ việc Tập đoàn Hòa Phát ngưng hoạt động đầu tư trong bóng đá, đó là lần đầu tiên có một doanh nghiệp tuyên bố “bỏ bóng đá” vì lý do trọng tài. Bóng đá Việt Nam không chỉ mất đi một nhà đầu tư lớn mà còn phát sinh một tiền lệ, khiến sau này nhiều cuộc chia tay khác cũng theo đó lấy lý do trọng tài để đưa đến quyết định.

Cũng từ “vụ Hòa Phát” mới dẫn đến sự ra đời của Công ty VPF hồi năm 2011 với những mục đích cụ thể: V-League được tổ chức độc lập và trọng tài là những người được thuê để điều hành, hạn chế tối đa tiêu cực từ giới cầm cân nẩy mực.  Thế nhưng sau “vụ Hòa Phát”, đến nay có ít nhất 10 đội bóng đã “biến mất” khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, trong khi trọng tài vẫn là một “vấn nạn” theo mọi nghĩa.

Thứ nhất, về mặt chuyên môn, trình độ trọng tài không tăng mà còn giảm. Cụ thể như 2 sai sót nghiêm trọng của trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng và “Còi vàng” Nguyễn Trọng Thư mới đây. Đây là những trọng tài giỏi nhất hiện nay nhưng lại mắc những lỗi sơ đẳng nhất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu cũng như sự nghiệp thi đấu của cầu thủ.

Kế đến, vì trình độ kém, sai sót liên tục có tính hệ thống, dẫn đến thái độ của đội bóng và cầu thủ không còn giữ được sự nghiêm minh trên sân cỏ. Thế nên mới có chuyện “vô tiền khoáng hậu”, đó là đội Sanna Khánh Hòa gửi đơn chính thức đề nghị “tổ chức lại trận đấu” với QNK Quảng Nam khi cho cho rằng lỗi lầm không công nhận bàn thắng của trọng tài Phùng Đình Dũng là cố tình chứ không phải “tai nạn nghề nghiệp”.

Hoặc như trường hợp 2 cầu thủ ngoại của đội Hải Phòng đã chắp tay “vái sống” trọng tài FIFA Võ Minh Trí ngay trên sân, một hình ảnh cực kỳ tồi tệ trong bóng đá chuyên nghiệp. Ở đây có thể thấy sự tôn trọng dành cho trọng tài là không có, niềm tin đối với các nhà tổ chức vì thế cũng suy giảm nhanh chóng; chưa nói đến các hệ lụy khác như những phản ứng tiêu cực từ khán giả hay bản thân các đội bóng lợi dụng trọng tài để đổ lỗi cho các kết quả thi đấu có vấn đề.

Hậu quả cuối cùng chính là: Sự hỗn loạn của bóng đá Việt Nam, mà việc đình chỉ nhiệm vụ của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi mới đây là minh chứng. Chỉ trong khoảng 10 năm qua, Ông Mùi đã 4 lần được chọn làm người đứng đầu giới trọng tài Việt Nam, nhưng có đến 2 lần phải nhận hình thức kỷ luật tương tự. Rồi trong 3 năm qua, một số trận đấu quan trọng của V-League phải thuê trọng tài từ Nhật Bản hay thậm chí là Malaysia sang cầm còi, thế nhưng tình hình cũng chẳng khả quan hơn là bao. Có rất nhiều nguyên nhân khiến chất lượng trọng tài đi xuống, nhưng cái chính vẫn nằm ở công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ này. Để có một trọng tài giỏi, điều kiện tiên quyết là phải có môi trường làm việc đủ về số lượng, đúng về chất lượng và có tính công bằng. Tuy nhiên, trọng tài trẻ hiện nay không có đất dụng võ khi số lượng các trận đấu ở những giải cấp thấp không nhiều, muốn được phân công thổi tại V-League thì phải biết cách quan hệ, “đi dây” với những người làm công tác phân công. Áp lực dành cho trọng tài ngày một nhiều hơn, nhưng con đường từ những lớp học ngắn ngày cho đến những trận đấu đỉnh cao thì lại có vẻ ngắn lại, điều này dẫn đến chuyên môn của trọng tài chỉ đi xuống chứ không thể phát triển.

Việc đình chỉ công việc của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi chỉ là một kiểu chữa cháy, bởi chẳng thể làm thay đổi cách cầm còi cũng như sửa chữa các sai sót vừa qua trên sân cỏ của các trọng tài. Ngược lại, kỷ luật người đừng đầu chỉ khiến cho tâm lý của đội ngũ “Vua sân cỏ” thêm nặng nề, nếu xảy ra sự cố thì quy trách nhiệm cho ai? Và liệu chăng, làm như vậy chẳng khác nào đổ hết mọi trách nhiệm cho giới trọng tài mà quên đi những nguyên nhân còn quan trọng hơn, như năng lực tổ chức, tính chất trung thực của những trận đấu, văn hóa sân cỏ cũng như cơ cấu, hệ thống thi đấu của nền bóng đá.

Chẳng sai khi người ta vẫn nói: nền bóng đá nào thì trọng tài ấy.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục