Cho đến nay, “Hội thi tiếng hát nông dân” tổ chức tại Cần Thơ vẫn là hội thi văn nghệ có quy mô nhất cho riêng người nông dân đồng bằng “một nắng hai sương”. Hội thi vừa góp phần đưa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp - nông thôn - nông dân đi vào cuộc sống vừa bảo tồn vốn quý của âm nhạc truyền thống.
Náo nức đồng quê
“Trước thuộc nhiều bài, nay quên cũng nhiều nhưng còn chơi được. Tui lai rai cổ nhạc từ 14 - 15 tuổi lận, khi đám tiệc lúc đám giỗ trong làng. Lần đầu tiên “lên kinh ứng thí”, tôi mướn nhà trọ ở mấy đêm đó”, chú Nguyễn Hữu Đức, 73 tuổi, ở huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) tâm sự khi bước vào vòng chung kết. Hôm đó chú ca bản “Một thoáng bâng khuâng” (Hoài Vân), ai cũng khen giọng ca ông Ba Đức còn khỏe lắm, đầy hơi, chắc nhịp, biểu cảm. Ông thì nói mình hát cả tấm lòng: bài ca nhắc lại kỷ niệm chiến tranh, máu xương đổ xuống quê hương mình… Gần tuần sau, trong buổi diễn xếp hạng, “ông già gân” đoạt luôn giải nhì và “ẵm” cả giải dành cho người cao tuổi nhất của Hội thi tiếng hát nông dân lần thứ VI - 2011.
Chủ trại tôm Dương Văn Cưng, 60 tuổi, lặn lội từ Cà Mau lên; chủ vườn thanh long Lê Kim Hoàng (Chợ Gạo - Tiền Giang) mướn hẳn xe hơi đưa cả gia đình đi theo và không quên chở cả sản phẩm lên tiếp thị với ban tổ chức; nông dân Trần Thị Bảy (Thạnh Phú - Bến Tre) đang làm ruộng, nghe có cuộc thi là bươn bả buông hết. Hàng chục cặp đôi háo hức chạy xe lên đợi chàng/nàng diễn xong là “đưa về dinh” cho kịp buổi đồng sớm. Hội thi lần này có đến 434 thí sinh là hội viên Hội Nông dân Việt Nam, từ những cánh đồng sâu của Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đến các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Vĩnh Long… tham gia.
“Vui là chính”, chú Năm Đức cảm nhận. Vui và đam mê. Các thí sinh đến với cuộc thi rất náo nức, tự nhiên như công việc hàng ngày của họ vậy. Có nông dân đã ngoài 80 tuổi vẫn nài nỉ cho được thi (quy định chỉ 75 tuổi trở xuống). Có người bám cuộc thi đủ cả 6 lần. Có thí sinh chỉ thuộc hai câu vọng cổ, vào chung kết không được vẫn cười sảng khoái; lại có “bả” lên ca xong là cùi cụi lội về, “mai xổ tôm rồi”. Nhiều thí sinh lên sân khấu thấy 4 - 5 cây đàn và ban giám khảo ngồi dưới là “khớp”, lát sau mới vô bài được… Nhưng càng vô sâu, thí sinh càng “sung”, càng “máu”. Cổ động viên các nơi rần rần kéo về ủng hộ “màu cờ sắc áo”, băng rôn khẩu hiệu trưng đỏ cả hàng ghế khán giả. “Hội thi là nơi người nông dân đồng bằng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau và vui chơi sau những ngày lao động vất vả…”, thí sinh Lê Thị Bước, 37 tuổi, tận Rạch Gốc (Cà Mau) thổ lộ.
Nồng nàn cho nông thôn mới
Cứ mỗi khi mùa vụ kết thúc, tiếng ca nông dân lại cất lên. Qua mỗi kỳ hội thi, chất lượng lại được nâng lên, khắt khe, chắt lọc hơn và xuất hiện thêm những gương mặt mới làm hạt nhân cho phong trào văn nghệ địa phương. Những thí sinh lọt vào vòng trong càng phải đáp ứng được 3 yếu tố mà ban tổ chức đòi hỏi: chất giọng, kỹ thuật (rành bài bản điệu thức vọng cổ, cách nhả chữ lấy hơi, giữ nhịp…), nghệ thuật biểu cảm.
Bắt đầu từ năm 2004 do Hội Nông dân Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình và Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, đến nay đã là kỳ thứ 6. “Ban đầu chỉ có Cần Thơ và mấy tỉnh lân cận, nay đã mở ra 12 tỉnh thành với hàng trăm thí sinh tham gia. Hội thi đã thực sự trở thành sân chơi ngày càng có sức thu hút, độ lan tỏa”, soạn giả Nhâm Hùng, người có mặt ngay từ buổi đầu khẳng định. Cho đến nay, đây vẫn là hội thi tiếng hát có quy mô nhất cho người nông dân đồng bằng “một nắng hai sương”.
Làng bè không cô đơn mà tìm về với nhau/Không sợ khó khăn chỉ sợ lợt phai tình/Yêu làng bè yêu xứ sở nặng tình chung… (“Chuyện làng bè” - Nguyễn Thị Nang), giọng thí sinh trẻ nhất cuộc thi của Cái Thị Thanh Dung (SN 1992) mượt mà sâu lắng. Chất quê hương lúa phù sa quyện chặt trong từng bài hát “Khóm ngọt” (Ngô Hồng Khanh), “Gạo Nàng thơm Chợ Đào” (Trọng Nguyễn), “Tâm tình anh Hai Lúa” (Nguyễn Văn Đền), “Ông lão chèo đò” (Viễn Châu)… Và qua những câu trả lời phần kiến thức, còn là sự kỳ vọng của người nông dân Nam bộ về một nông thôn mới, bớt nhọc nhằn hơn, “thóc gạo đầy bồ” và rộn ràng tiếng ca.
Không chỉ hát cho nông dân nghe mà chính người nông dân đang hát trên mảnh vườn, ruộng lúa của họ với sự sung mãn, hấp dẫn và sáng tạo riêng. Lần đầu tiên, mừng 81 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-2011), đêm chung kết xếp hạng không diễn ra trong rạp mà được trả về cho không gian mênh mang đậm đà hương thơm của lúa (huyện Thới Lai - Cần Thơ), cho hàng trăm nông dân vừa “rũ phèn” tụ về thưởng thức giữa cơn lũ đang ào ạt đổ về chưa dứt.
Bà Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, cho biết: Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn rất quan tâm đến hội thi, bởi chính nó đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người nông dân, đưa Nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp - nông thôn - nông dân đi vào cuộc sống. Sự đam mê của các thí sinh đã thổi hồn cho cuộc thi, đồng thời cũng cho thấy sức “thanh xuân” của loại hình vọng cổ, cải lương mà ngành văn hóa đang nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy. Và nó còn thúc đẩy, tạo thêm sinh khí cho phong trào xây dựng nông thôn mới đang được triển khai quyết liệt trên khắp đồng bằng hiện nay.
VŨ THỐNG NHẤT