(SGGP). – Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được đánh giá là một trong 10 chiến thắng vĩ đại nhất lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhắc gợi chiến thắng là khơi dậy truyền thống anh hùng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Đó chính là ý nghĩa của cuộc giao lưu “Ký ức Hà Nội 12 ngày đêm” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Bộ VH-TT-DL tổ chức chiều 16-12.
Cuộc giao lưu có gần 1.000 học sinh Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tham gia, trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử: Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân, người đầu tiên hạ gục “pháo đài bay B52” Mỹ; nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Đỗ Doãn Đại, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời kỳ 1969 - 1972 và nhà báo Nguyễn Xuân Mai, nguyên TBT Báo Phòng không - Không quân.
Tại buổi giao lưu, nhà sử học Dương Trung Quốc thêm một lần nhắc cho các bạn trẻ về ý nghĩa quan trọng của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”: Cuộc không kích của Mỹ không chỉ thuần túy là chiến dịch về quân sự mà còn nhằm đè bẹp ý chí của dân tộc ta. Nhưng chiến dịch đã thất bại ngay từ đầu, đã trở thành vết nhơ của cả không lực lẫn chính trường Mỹ.
Còn theo GS Đỗ Doãn Đại, Bệnh viện Bạch Mai cũng là mục tiêu ném bom của B52. “Đợt nặng nhất là vào sáng sớm ngày 22-12, cướp đi sinh mạng của 28 người và làm bị thương 22 người. Nhiều căn hầm bị đánh sập, có nơi cửa hầm bị sập, xác một nhân viên bịt lối vào, khiến hàng trăm bác sĩ, y tá, sinh viên và bệnh nhân bị kẹt bên trong. Đành thắp hương khấn chị, cho anh em xin phẫu thuật cưa rời các bộ phận, để mở lối cứu được gần 30 người. Các bác sĩ đã khâu lại hình hài của chị trước khi đưa ra ngoài. Có trường hợp 3 chị y tá Diên, Khuyến, Thạch ôm chặt nhau lúc chết do một khối bê tông đè phải. Thật đau lòng khi mới 2 tháng trước, Khuyến và Thạch đã đi phù dâu cho chị Diên …”, GS Đỗ Doãn Đại hồi tưởng.
Tối 16-12, chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 4 do Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhà báo và Công luận phối hợp tổ chức diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Tối cùng ngày, Đài PT-TH Hà Nội phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân, Sư đoàn 361 tổ chức cầu truyền hình đặc biệt, với tên gọi “Bản hùng ca Hà Nội”. Chương trình diễn ra tại 6 điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Sư đoàn 361, Bảo tàng Chiến thắng B52, Đài tưởng niệm Khâm Thiên, Trận địa tên lửa Chèm, hồ Hữu Tiệp là 6 trận địa, lịch sử khác nhau nhằm tái hiện cho khán giả những hình dung chân thật hơn về những trang sử hào hùng, những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta.
P.THẢO