Bài 1: Liều mạng mưu sinh
Trong nhiều năm gần đây, tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là ở Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định… tình trạng khai thác vàng trái phép bùng phát. Vấn nạn này diễn ra ngày càng phức tạp với quy mô ngày càng lớn, hoạt động ngày càng lộng hành… Và kéo theo đó là muôn vàn những hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu người dân và cả những phu vàng.
“Vàng tặc” như rươi
Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Trương Văn Hải cho biết: “Tình trạng đất, đá từ hoạt động khai thác vàng theo những con suối trôi xuống bồi lấp các hồ chứa nước Kim Sơn và hồ Đồng Quang gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương, khiến gần 70ha đất trồng lúa của xã đang bị thiếu nước sản xuất. Nghiêm trọng nhất là nạn ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn và những hố sâu bị các đối tượng đào đãi vàng đục khoét rất dễ bị sụp lún, gây lở đất, đe dọa tính mạng con người khi có mưa”. HOÀNG TRỌNG |
Một ngày đầu tháng 5-2011, chúng tôi tìm về xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) – lãnh địa của “vàng tặc” tại Bình Định. Từ trụ sở UBND xã Ân Nghĩa đi xe máy chừng 1km là đến bãi vàng Hố Khế. Ngày thường, đứng ở sân của UBND xã này nhìn lên cũng thấy lán trại phủ bạt xanh, bạt trắng… do những người đào đãi vàng dựng lên.
Vụ sập hầm vàng ngày 30-4 vừa qua vùi 3 người chết, 1 người bị thương làm bãi vàng Hố Khế vắng ngắt. Dấu vết của những người đi đãi vàng chỉ còn lại những quần áo, chén bát, bao tải, dây nhợ… trong những lán trại bị phá hủy. Con suối chảy ra từ bãi vàng sền sệt màu đỏ ngầu, đặc quánh. Một ngọn đồi chưa đầy 0,5ha mà đã có không dưới 10 hầm vàng.
Lần theo dòng nước đục ngầu chảy xuống từ đỉnh đồi chừng 500m, chúng tôi đã bắt gặp vài người dân đang lén lút đào đất đãi vàng. Bất ngờ thấy người lạ xuất hiện, họ bỏ chạy. Một phần ba diện tích lòng hồ Đồng Quang (thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) như một bãi lầy, bùn đất đỏ sền sệt. Đất đá thải ra do hoạt động đào đãi vàng ở thượng nguồn theo các con suối, bồi lấp lòng hồ.
Ngược theo con suối gần 3 giờ, chúng tôi bắt gặp nhiều lán trại, hầm đãi vàng… đặc biệt là tại khu vực Hố Kà Diếc. Nơi đây, những con suối tan hoang, nhiều quả đồi bị cày nát…
Các bãi vàng ở xã Ân Nghĩa được phát hiện từ thời Pháp thuộc. Năm 2000, UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty Khoáng sản Bình Định thăm dò vàng tại Kim Sơn nhưng đến năm 2003, công ty này rút lui.
Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Trương Văn Hải than thở: “Sau khi công ty rút đi, hoạt động đào đãi vàng trái phép diễn ra ngày càng rầm rộ. Khi đó, mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương và các tỉnh khác đến các khu vực Hố Cọp, Hố Khế và Hố Kà Điếc để đào đãi vàng. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương truy quét nhiều lần, hoạt động đào đãi vàng chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tái diễn. Hiện mỗi ngày có 40 - 50 người dân ở địa phương lén lút vào rừng đào đãi vàng trái phép”.
Nếu như ở Bình Định “vàng tặc” lén lút thì tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, hoạt động này diễn ra công khai và quy mô hơn; nhất là dọc sông Chà Hạ qua các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh (huyện Tương Dương). Nhưng ngoài một số máy móc, phương thức khai thác thủ công vẫn là chủ yếu.
Việc đào vàng dọc sông này trở nên ào ạt từ giữa năm 2010, khi có tin đồn có một nhóm 9 người đào được một cục vàng nặng 2,1kg. Từ đó, mỗi ngày có hàng trăm người dân bỏ trồng lúa, làm rẫy kéo nhau xuống đây đào bới tìm vận may.
Chị Lương Thị Tình (ở bản Hào, xã Yên Hòa) thật thà: “Nhà mình nghèo nên đi tìm xem có được cái vàng mô không. Nhà thằng Ối ở bản mình (một trong 9 người tìm được cục vàng 2,1kg) nhờ tìm được vàng mà phá nhà xấu xây nhà đẹp”.
Tại các vùng đất ven sông Nậm Quỳa và sông Quàng (huyện Quế Phong), một số công ty tư nhân lấy cớ đưa máy móc lên ủi đất đào ao thả cá, nhưng thực chất là phục vụ đào đãi vàng.
Trong khi đó, tại các huyện miền núi Quảng Nam như Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang người dân đi đào đãi vàng trái phép như trẩy hội. Sông Nước Mỹ uốn lượn theo con đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Thạnh Mỹ đến P’Giằng (huyện Nam Giang) ngầu đỏ. Giữa sông, những đống cát sỏi lỏm chỏm nhô lên giữa dòng.
Đứng trên bờ, chỉ tay về hai chiếc tàu cuốc đang hùng hục đào bới lòng sông, anh Nguyễn Nhật Tình lắc đầu chua chát: Sông này “chết” rồi. Lòng sông bị tàu cuốc bới nát để tìm vàng rồi “nhả” ra những đống cát sỏi nhô lên giữa dòng. Những chiếc tàu cuốc này hàng ngày vẫn ngang nhiên bới sông tìm vàng bất chấp ô nhiễm, như thách thức người dân và chính quyền địa phương.
Không chỉ trên sông Nước Mỹ, tình trạng đào đãi vàng trái phép diễn ra rầm rộ trên sông Thanh (xã Tà Bhing), Đắk Pring, Zuôi… Thậm chí, “vàng tặc” còn tấn công cả vào khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh để đào vàng gây ô nhiễm nguồn nước, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của khu bảo tồn, trước sự bất lực của chính quyền.
Bán mạng... phu vàng
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 265 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp, 38 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp còn hiệu lực. Có 160 giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường, 25 giấy phép khai thác đá hoa trắng, còn lại là các loại giấy phép khai thác quặng vàng, thiếc, sắt, chì, kẽm,… DUY CƯỜNG |
Tình trạng đào đãi vàng trái phép diễn ra khắp các tỉnh miền Trung không chỉ tàn phá môi trường, tác động tiêu cực đến rừng mà còn đe dọa mạng sống người dân địa phương và phu vàng.
Sau ngày xảy ra vụ việc sập hầm vàng làm 5 người thiệt mạng tại bản Đình Hương (xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An), chúng tôi có mặt tại một số khu vực dọc sông Lam và nhận thấy tình trạng đào đãi vàng vẫn diễn ra bình thường, như không có chuyện gì.
Phải rất vất vả chúng tôi mới tiếp cận được các khu vực đào đãi vàng tại bản Tam Hương (xã Tam Đình) và không khỏi rùng mình kinh hãi. Mỗi hầm vàng có ít nhất 10 người, có hầm có đến 40 người hùng hục làm việc. Trong khi hầm sâu hàng chục mét nhưng đất lại rất mềm, chỉ một tác động nhẹ cũng khiến đất ập xuống. Khi thấy chúng tôi đứng trên miệng hầm, những người làm vàng phía dưới quát nạt ầm ĩ bằng tiếng Thái. Vì mưu sinh nên hàng ngày vẫn có hàng trăm con người miệt mài tìm vận may, bất chấp tử thần rình rập.
Đời phu vàng, hàng ngày theo những tia vàng trong hầm sâu hàng chục mét, trong những hàm ếch ngoằn ngoèo như địa đạo ăn sâu vào lòng đất để kiếm sống. Những hầm vàng này nuôi sống họ và biết đâu cũng chính là huyệt mộ chôn vùi cuộc đời họ bất cứ lúc nào.
HOÀNG TRỌNG – DUY CƯỜNG – NGUYÊN KHÔI
Bài 2: Xử lý hời hợt, hậu quả nặng nề
Đào đãi vàng trái phép đã trở thành vấn nạn gây bức xúc trong xã hội từ nhiều năm qua. Không ít những vụ chết người, không ít những vụ sập hầm, không ít những vụ chém giết tang thương vì vàng… gây bức xúc trong dư luận. Xóa sổ “vàng tặc” dường như là bài toán chưa có lời giải.
- Bất lực?
Nhiều năm qua, hầu hết các tỉnh miền Trung đều “nóng” với tình trạng khai thác vàng trái phép. Những vụ sập hầm vùi chết nhiều người ở bãi vàng Phước Sơn, Phú Ninh, Nam Giang (Quảng Nam), Tương Dương (Nghệ An), Hoài Ân (Bình Định) đã trở thành những thông tin khá quen thuộc, kể cả những vụ thanh toán nhau để tranh giành bãi vàng ở Phước Sơn vài năm trước đây. Tại sao “vàng tặc” lộng hành nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương chưa có một giải pháp ngăn chặn hữu hiệu?
Sau sự cố sập hầm vàng ở Hố Khế, UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc, tăng cường truy quét, điều tra… Thậm chí, ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cũng đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, xem xét tình hình, báo cáo đề xuất UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ chất nổ để đánh sập các hầm vàng. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cần thừa nhận: “Ngăn chặn dứt điểm hoạt động đào đãi vàng trái phép ở địa phương khó quá! Đa số người đào đãi vàng trái phép là dân địa phương nên mỗi lần chúng tôi tổ chức truy quét, họ dừng hoạt động một thời gian và sau đó lại tiếp tục hoạt động trở lại. Việc kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ chất nổ để đánh sập tất cả hầm vàng rất tốn kém và chưa hẳn đã ngăn chặn dứt điểm nạn đãi vàng trái phép được. Năm 2001, chúng tôi cũng từng đánh sập các hầm khai thác vàng nhưng rồi đâu cũng vào đấy”.
Việc khai thác vàng, khoáng sản đã gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng và thương tâm. Chỉ tính riêng 2 tháng trong năm nay đã xảy ra 3 vụ tai nạn làm chết trên 20 người. |
Trao đổi với PV Báo SGGP về tình trạng khai thác vàng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Danh Lai, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, cho biết: Hiện nay, ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa thể nắm được cụ thể các điểm khai thác khoáng sản trái phép vì hôm nay họ khai thác nơi này mai đào bới nơi khác. Sở cũng không chủ động được trong công tác kiểm tra vì lý do ít cán bộ, trong khi đó địa bàn có khoáng sản lại trải trên diện rộng. Ngoài ra, có không ít đơn vị được cấp phép khai thác nhưng triển khai không đúng thiết kế, quy trình.
Bất lực trước tình trạng đào đãi vàng trên địa bàn, ông A Lăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Nam Giang (Quảng Nam), thừa nhận: Gần đây, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn ra khắp nơi, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ xử lý vì sự việc nằm ngoài tầm của huyện. Đến nay, huyện không biết làm gì để xử lý tình trạng này. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác vàng và huyện chỉ kiểm tra, nhắc nhở về an ninh trật tự, yêu cầu đảm bảo về môi trường… chứ không thể kiểm soát được mức độ ô nhiễm môi trường do những doanh nghiệp này gây ra.
- Thay đổi tư duy quản lý
Trước tình hình trên, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã có nhiều văn bản gửi các cấp, ngành và địa phương yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này, xử lý kiên quyết nạn khai thác, chế biến khoáng sản trái phép; nhanh chóng lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; rà soát những doanh nghiệp hoạt động có phép, nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo thì thu hồi giấy phép; xử lý nghiêm cán bộ cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang có hành vi bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép hoặc cấp phép không đúng thẩm quyền; kiên quyết đưa số cán bộ, chiến sĩ này ra khỏi bộ máy cơ quan của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
Quảng Nam hiện có 31 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản, trong đó có 2 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp phép. Toàn bộ 31 doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực khai thác vàng. Vì quản lý lỏng lẻo, không thường xuyên kiểm tra sau khi cấp phép nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, không hoàn thổ mặt bằng sau khi khai thác... |
Bên cạnh việc “tuyên chiến” với “vàng tặc”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh sử dụng chất nổ để phá hủy tại chỗ các phương tiện sử dụng vào mục đích khai thác trái phép và san phẳng các hầm vàng để ngăn chặn tình trạng sập hầm nguy hiểm.
Việc Quảng Nam và Bình Định dùng biện pháp mạnh để “tuyên chiến” với vàng tặc được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc “dùng biện pháp mạnh” để xử lý “vàng tặc” như Quảng Nam và Bình Định chưa chắc xử lý triệt để tình trạng này nếu như vẫn lỏng lẻo trong quản lý. Có ý kiến cho rằng, muốn thực sự xóa “vàng tặc” trên địa bàn không có gì khó nếu địa phương nào cũng quản lý tốt về nhân khẩu, hộ khẩu. Quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chặt chẽ sẽ nắm được những đối tượng chuyên khai thác vàng trái phép và kiên quyết xử lý, đẩy đuổi ra khỏi địa bàn nếu là người địa phương khác. Ngoài ra, cần phải quy hoạch, khoanh vùng quản lý đối với các mỏ vàng để tránh được thất thoát nguồn tài nguyên cực lớn của quốc gia.
Có lẽ, muốn dẹp được tình trạng khai thác vàng trái phép tại các tỉnh miền Trung cần phải thay đổi tư duy quản lý và xử lý từ “gốc” chứ không phải xử lý từ “ngọn”. Và nếu vẫn giữ cách xử lý “thoáng qua” như hiện nay, lời giải cho bài toán xử lý “vàng tặc” vẫn là ẩn số.
NGUYÊN KHÔI – HOÀNG TRỌNG – DUY CƯỜNG