Vật lộn với sóng bằng... rượu

Tôi gọi đó là chuyện bên lề biển Đông. Ấy là câu chuyện tàu thuyền nào ra khơi cũng có từ chục lít đến cả trăm lít rượu. Và trở lại bờ, đàn ông phải bập vào rượu. Với họ, rượu không thể thiếu khi làm biển nhưng rượu cũng giết dần những lão ngư săn chắc da thịt.
Vật lộn với sóng bằng... rượu

Tôi gọi đó là chuyện bên lề biển Đông. Ấy là câu chuyện tàu thuyền nào ra khơi cũng có từ chục lít đến cả trăm lít rượu. Và trở lại bờ, đàn ông phải bập vào rượu. Với họ, rượu không thể thiếu khi làm biển nhưng rượu cũng giết dần những lão ngư săn chắc da thịt.

  • Vị đắng của biển

Ở Quảng Bình, không một ngư dân nào ra biển mà không uống rượu trắng. Phải là loại rượu thật nặng, uống cháy khướu cổ, rượu đó dùng được cho cả nướng mực làm mồi nhậu. Tôi đi nhiều làng biển mới biết, đánh bắt xa bờ càng cần nhiều rượu. Nếu không có thứ uống say nồng đó, ngư dân không trụ lại với sóng to gió lớn, không trụ lại được cái rét sương giữa biển Đông rộng lớn.

Xã Cảnh Dương có hơn 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, 10.000 dân sống bám vào biển và một nửa “thế giới” làng là đàn ông đi biển, ai cũng phải dùng rượu. Lão ngư Trần Ch. nói: “Ra khơi cả trăm hải lý, không dùng rượu làng nấu, loại 40, 42 độ là không xong với sóng to gió cả. Phải có rượu mới bắt được cá, có rượu mới bồng bềnh theo được con sóng, không có rượu đừng hòng đứng được trên thuyền chúi nhủi với sóng”.

Ở Bảo Ninh, Đồng Hới, số thuyền đánh bắt xa bờ cũng hùng hậu không kém Cảnh Dương và những tàu thuyền ra khơi, danh sách thực phẩm lên đơn đầu tiên không phải là gạo mà là rượu.

Bảo Ninh hiện có 3 lò nấu rượu, không cung cấp cho bên ngoài, chỉ cung cấp cho lượng tàu đánh cá của xã. Bà M., chủ một lò nấu rượu làng cho biết: “Tui nấu rượu suốt ngày, nhưng không kịp bán cho các tàu đi biển. Mỗi lần họ lấy từ vài chục lít đến cả trăm lít, có thuyền còn lấy tới 200 lít, những lần như thế họ phải đặt trước, nếu không thì không kịp, mà mỗi lần như vậy là cả nhà chạy quýnh lên vì phải mua gạo, ủ men, mệt lắm”.

Ngư dân trẻ dùng rượu để xua đi cái lạnh trên biển nhưng theo đó sức khỏe cũng bào mòn vì rượu. Họ uống rượu bằng chén theo cách truyền thống làng biển.

Ngư dân trẻ dùng rượu để xua đi cái lạnh trên biển nhưng theo đó sức khỏe cũng bào mòn vì rượu. Họ uống rượu bằng chén theo cách truyền thống làng biển.

Ngư dân đi biển nói, trên biển lớn, không thứ gì đủ sức giúp con người chống chọi lại mọi khó nhọc, lạnh lẽo, cô đơn bằng rượu. Bắt cá lên cũng nhờ sức rượu. Thả lưới cũng nhờ hơi rượu. Kéo lưới cũng nhờ men rượu. Ăn cơm trên biển cũng phải có rượu.

Với tàu đánh bắt xa bờ là thế, tàu đi lộng một ngày một đêm cũng có chai “cuốc lủi”, nếu không chẳng lão ngư nào chịu đi với bụng thuyền không có tí men cay. Và những người đàn bà trên bờ ngoài lo ăn, lo mặc cho gia đình, mỗi bận chợ quê về phải có chai bảy rượu, để chồng con đứng mũi chịu sào với sóng gió.

  • Và những di hại

Sau chuyến đi biển là vào bờ, ngư dân làm điều đầu tiên không phải nghỉ ngơi mà phải có cối rượu lấy sức, uống vào theo giải thích của họ là để giữ thăng bằng trên đất liền. Mỗi lần như thế, họ vô thức dấn thân vào con đường nghiện rượu.

Nhiều lão ngư khi được tôi hỏi nghiện rượu từ lúc nào, họ lắc đầu: “Không biết từ khi mô”. Họ cũng đoan chắc, phải từ khi còn trẻ. Và bây giờ, một trưởng thôn làng biển nói rằng: “Làng tui, đứa mô đi biển cũng nghiện rượu hết”.

Và khung cảnh của một xóm nhỏ bên bờ biển Đông, vào sáng sớm tinh mơ hoạt náo hẳn lên khi mấy lão ngư túm năm, túm ba đi ăn sáng. Và quán phải có can rượu để họ “lấy thăng bằng” buổi sáng. Khi rượu chưa đưa ra, họ ngồi buồn thiu, mỗi người thu lu mình mỗi góc nhưng rượu đưa ra, họ dùng từng cối và những câu chuyện bắt đầu khơi ra và tưng bừng đến trưa.

Có ngày làng hết rượu, nhiều người chạy khắp trên cát tìm rượu. Không còn giọt rượu đúng độ, họ xoay trần ra uống bia, nhưng với ngư dân bia quá nhẹ, uống mãi chẳng thấm vào đâu. Mùa trăng sáng, làng đầy những lão ngư sặc mùi rượu. Mỗi bận về thăm làng, đầu xóm cuối thôn cứ đi là gặp người có mùi men. Ngư dân không thể xa rượu. Chỉ có những lúc làng vắng hoe người say khi trăng lặn, đàn ông ra khơi dài ngày.

Nhưng rượu dùng càng nhiều không những gây nghiện nặng mà để lại di hại sức khỏe ghê gớm. Và không làng biển nào không có người bị ung thư gan, đau dạ dày do rượu. Bảo Ninh năm nay đã phải đưa tiễn ít nhất 3 ngư dân mất vì ung thư gan và tiền sử của họ là dùng nhiều rượu.

Bài viết này chúng tôi tôn trọng tên tuổi các ngư dân không nêu cụ thể nhưng đó là sự thật ở làng biển. Và hiện chính quyền địa phương hay các trạm y tế xã hoặc trung tâm y tế dự phòng vẫn đang ngoài cuộc vấn nạn này. Bởi kế hoạch giúp ngư dân bỏ rượu không nằm trong chương trình các đơn vị trên, trong khi đó trách nhiệm y tế trong các báo cáo thành tích là chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Điều này thật sự đáng báo động. Bởi riêng một xã có chừng 300 tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở độ 150 hải lý, sẽ phải cần chừng 50 lít rượu cho một tàu mỗi chuyến ra khơi, ít thì 40 lít, mỗi lít 15.000 đồng, số tiền không phải nhỏ.

Rượu đã bào mòn sức khỏe từng lão ngư săn chắc da thịt và người chết do rượu, kéo theo vợ con họ mất trụ cột gia đình. Rượu, theo ngư dân, giúp họ đứng vững trên sóng nhưng nó lại xô ngã họ trên đất liền. Đó cũng là tác nhân gây sóng gió chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt của vợ chồng ngư dân.

Chiều buông bóng hàng dương rủ xuống biển bãi ngang, bóng dương đổ dài trên mặt nước, những lão ngư đi làm lộng ban đêm chuẩn bị xuống chiếc thuyền nhỏ, đi ngang qua họ mùi rượu bốc lên ấm nồng nhưng cuộc sống chẳng ấm êm do rượu mà ra. 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục