Vật vờ nhậu đêm

Nếu đề cập đến nhậu, ở TPHCM dường như có mọi thời điểm để nhậu trong ngày. Sáng, trưa, chiều, tối… lúc nào cũng thấy các đệ tử của Lưu Linh. Nhưng, với dạng người “ghét gió, sợ mưa, không ưa nắng” thì “tối tối mát trời” nhậu mới sành điệu! Có cung ắt có cầu, các quán nhậu đêm, phố nhậu đêm… đủ âm thanh, màu sắc và cả khói sương… ra đời đáp ứng ngay sở thích của dân nhậu khó tính nhất!
Vật vờ nhậu đêm

Nếu đề cập đến nhậu, ở TPHCM dường như có mọi thời điểm để nhậu trong ngày. Sáng, trưa, chiều, tối… lúc nào cũng thấy các đệ tử của Lưu Linh. Nhưng, với dạng người “ghét gió, sợ mưa, không ưa nắng” thì “tối tối mát trời” nhậu mới sành điệu! Có cung ắt có cầu, các quán nhậu đêm, phố nhậu đêm… đủ âm thanh, màu sắc và cả khói sương… ra đời đáp ứng ngay sở thích của dân nhậu khó tính nhất!

        Giờ nào, mồi đó!

Thú thật, ở TPHCM, rất khó minh định giờ bắt đầu của dân nhậu. Sáng sớm, qua ánh đèn vàng vọt, sương sớm còn giăng giăng là đà trên ngọn cây, tại các công viên, bến tàu, cầu bắc qua sông, rạch hay bất kỳ khu đất trống nào trên địa bàn TPHCM đã náo nhiệt với hàng ngàn người dân tập thể dục, đi làm. TP dậy sớm như thế, nhưng đây đó trên lề đường Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu (quận 1); Nguyễn Tri Phương (quận 10); Trường Sa, Hoàng Sa (quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận…) lại có những hình ảnh trái ngược. Đó là vẫn còn một số bàn nhậu. Nhiều “đệ tử Lưu Linh” giọng lè nhè, mặt mày xanh xám, run run nâng ly bia đưa lên miệng… Không biết mấy người đó đã uống từ lúc nào, bao nhiêu chai… nhưng tàn thuốc lá vương vãi đầy dưới đất và cạnh đó là hàng loạt vỏ bia nghiêng ngả.

Đấy cũng là thời điểm các quán ăn sáng, có mồi khá “khêu gợi”: cháo lòng, tiết canh, hủ tiếu, phở… lục tục mở cửa. TP không ngủ, chắc chắn là như vậy. Bởi lẽ, không phải chỉ ở cổng nhà máy, xí nghiệp, công ty trong nước hay ngoài nước… thực hiện việc giao ca buổi sáng, chục năm trở lại đây, Sài Gòn có thêm điểm giao ca của đội ngũ rất đông những người làm việc, phục vụ ban đêm. Đó là các anh bảo vệ công ty tư nhân hay đội ngũ lái xe taxi, chạy xe ôm đêm. “Tiếng lành đồn xa”, các quán ăn trong hẻm nhỏ trở thành “điểm hẹn” của người xuống ca. Có thể kể các quán, như: quán cháo lòng trong con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Cống Quỳnh; quán hủ tiếu móng heo trong con hẻm nhỏ trên đường Cao Thắng (gần ngã tư Điện Biên Phủ) hay quán bia hủ tiếu gà trong con hẻm nhỏ gần cà phê Cheo Leo (đường Lý Thái Tổ)... Trời chưa sáng hẳn, quán cháo lòng trên đường Cách Mạng Tháng Tám không còn bàn trống. Trên bàn thực khách đã thấy vài chai rượu cạn. Anh Nguyễn Thành Nghĩa, 32 tuổi, nhà ở quận 5, cho biết: “Trực bảo vệ ban đêm, sáng về xót ruột và khó ngủ lắm. Anh em tôi “tạt” qua quán, ăn 1 tô cháo lòng, uống 1 xị đế cho dễ ngủ. Ngày nào cũng vậy, bây giờ không biết mình ghiền rượu hay thích không khí ở các quán này”. Điểm đáng ghi nhận là các quán hoạt động như vậy thường theo “tôn chỉ”: Hết mồi thì nghỉ! Do vậy, khoảng hơn 9 giờ thì quán lục tục quét rác, rửa chén, dọn bàn. Dân nhậu có phong cách riêng của mình. Không lẽ người ta quét rác “lên đầu” mà mình ngồi chịu được.

Thực khách đêm ngồi tràn xuống cả lòng đường Bùi Viện (quận 1).

Thực khách đêm ngồi tràn xuống cả lòng đường Bùi Viện (quận 1).

        Thâu đêm

Các quán nhậu đêm thường mở cửa từ 14 giờ. Thời điểm nhân viên, công nhân các công ty, xí nghiệp, cơ quan… rục rịch nghỉ. Với một vài chai bia, đĩa mồi đơn giản (thường là ốc luộc hay khô nướng), ăn không quá no… các thực khách lai rai, tán chuyện đến hơn 19 giờ thì lục tục kéo nhau về với gia đình. Đêm cuối tuần, nhóm người này lại rủ rê nhau cùng gia đình ra các quán ở ngoại thành. Nắm bắt nhu cầu đó, các quán bờ sông ở quận Thủ Đức, bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) hay các quán có khuôn viên rộng lớn mới mở ở quận 4, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh… đáp ứng đủ nhu cầu giao lưu, gặp gỡ. Một số quán tiếp thị bài bản với các món độc quyền, như quán “chuyên đề” cua, ốc, cá, các món ăn nhậu của miền Trung… ở bán đảo Thanh Đa, ven sông Sài Gòn ở quận Thủ Đức đã thu hút rất đông khách ẩm thực. Không kể các ngày cuối tuần, thực khách phải dặn bàn và đặt món trước. Nhưng, các quán nêu trên ít nhiều mang tính ẩm thực gia đình. Bởi lẽ, tầm 10 giờ đêm, quán đã rục rịch dọn dẹp.

Dân nhậu đêm không ai không biết các quán mở cửa phục vụ thâu đêm, suốt sáng ở khu bờ kênh Nhiêu Lộc (quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh), khu hải sản đường Nguyễn Tri Phương (quận 5, quận 10), khu phố Tây, đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1), các tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 5 và quận 10), đường An Dương Vương (quận 5)… Đối tượng nhậu cũng đủ thành phần. Khoảng 20 giờ đến 23 giờ chỉ là nhóm bạn, gia đình. Từ 0 giờ mới là cao điểm. Đó là thời điểm các sàn diễn sân khấu, quán bar, vũ trường, phòng trà ca nhạc… đóng cửa. Nghệ sĩ, người mẫu, vũ nữ… nườm nượp kéo đến các quán nhậu đêm. Chưa ở đâu mà khoảng cách giữa người nổi tiếng và công chúng gần đến như vậy. Nhiều người vẫn còn nhớ một vụ việc hi hữu ở quán ốc trên đường Nguyễn Tri Phương. Một nam “đại gia” phát hiện và đến chào anh ca sĩ hải ngoại khá nổi tiếng đang ngồi chu mỏ hút ốc len xào dừa. Anh ca sĩ không ngần ngại cụng ly, uống cạn với người hâm mộ. Nhưng, khi nam ca sĩ từ chối hát tặng 1 bài (do không có đàn) thì bị “fan cuồng” đánh một trận tơi tả… Có nhậu là có va chạm, nhưng xích mích ở các quán nhậu nêu trên chưa là gì so với các quán lẩu dê, lẩu bò, lẩu cá ở khu vực có đông dân nhập cư.

Đến tận bây giờ, khi nhắc lại vụ việc, ông Nguyễn Văn Kiên, công an viên xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh vẫn ngán ngẩm. Ông Kiên cho biết: “Xã Tân Kiên có dân nhập cư rất đông, chiếm hơn nửa số dân của xã. Tình hình ANTT rất phức tạp nhất là các đêm cuối tuần, khi người dân nhập cư nhận được lương. Có tiền, tổ chức ăn uống bồi dưỡng thì cũng bình thường, nhưng các anh ăn nhậu xỉn rồi đâu có chịu nghỉ ngơi. Cứ uống tì tì rồi la lối, quậy phá đánh nhau. Hầu như đêm cuối tuần nào chúng tôi cũng nhận được điện thoại của người dân yêu cầu giải tán các bàn nhậu ồn ào”. Bình thường gặp công an đã ngán ngại, nhưng khi đã là “em út” của Lưu Linh thì mấy ông “thần ve chai” chẳng coi ai ra gì. Khổ nỗi ở các xã chủ yếu là công an viên. Lực lượng này không có quân phục mà chỉ là những bộ đồ màu xanh có thêu chữ Công an viên ở tay áo. Do vậy, khi ông Kiên đưa mấy anh công an xuống hiện trường, yêu cầu bàn nhậu giải tán thì chẳng ai chịu chấp hành mà còn lớn tiếng chửi bới. Kết cuộc phải “di dời” nguyên bàn nhậu về công an xã. Nhưng mấy đám nhậu vừa nêu vẫn chưa ăn thua với cái sự quậy của mấy ông người nước ngoài ở khu phố Tây (quận 1).

        Phố Tây về sáng

Các quán nhậu ở phố Tây mở cửa khá trễ, khoảng 18 giờ. Chắc do tại “sở quốc” không được ngồi ở lề đường, các anh chị Tây thích ngồi nhậu lê la ở các quán vỉa hè đường Bùi Viện uống bia Sài Gòn 10.000 đồng/chai hơn là các quán có nhạc. Mỗi người 1 ghế, 1 chai, khỏi cần mồi, cứ thế mà “tu”. Nhiều lúc hết ghế, các anh, chị ngoại quốc vẫn sẵn sàng ngồi bệt xuống đất. Tập trung đông nhất vẫn là hai quán ở khu vực giữa đường Bùi Viện. Tây, ta ngồi lẫn lộn ở vỉa hè 2 bên và… nhìn nhau như vậy uống bia đến 2 - 3 giờ sáng. Ông Lê Trung Hiếu, chủ một quán bia ở đường Bùi Viện, cười cười cho biết: “Khi say thì mỗi người, mỗi nết. Khổ nhất là mấy ông Tây nhậu say, rồi quậy. Tôi và nhân viên quán chỉ biết bập bõm tiếng Anh, tiếng Pháp… gặp mấy ông ở châu Phi hay các quốc gia khác thì chịu. Chả biết nó nói cái gì! Mới đây, sau khi uống hơn chục chai bia, khi tính tiền, ông Tây gốc châu Phi bỗng nhiên bật khóc. Ông khóc không phải vì thiếu tiền trả mà buồn vì không biết phòng trọ của mình ở đâu. Khu này có cả trăm nhà trọ và mấy chục cái khách sạn, mình đâu biết ổng ở đâu để đưa về. Ổng ngồi uống thêm mấy chai nữa, đợi trời sáng rồi đi. Đến bây giờ, tôi cũng không biết ổng tìm được phòng trọ chưa?”.

Tây say quậy, hình như là chuyện bình thường ở khu vực này. Cách đây không lâu, sau khi nhậu say, nhiều người rượt nhau đánh lộn ầm ĩ, xong rồi lại ôm nhau cười. Đó là chưa kể, mấy khách Tây say rượu phóng xe gắn máy lạng lách, đánh võng, nẹt bô ầm ĩ khu vực. Trời sáng hẳn, họ tỉnh rượu lại vào các quán uống tiếp. Nếu đi qua khu vực này vào sáng sớm, chúng ta không khó khăn bắt gặp vài bàn nhậu của khách Tây. Không biết họ bắt đầu nhậu vào lúc nào, nhưng mặt ai cũng đỏ gay gắt và dưới bàn là cả chục chai nằm chỏng chơ.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, năm qua nước ta tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia.

Quán nhậu khuya ngày càng mọc ra nhiều thì nguy cơ về mất trật tự an ninh, mất an toàn giao thông về đêm ngày càng lớn. Bên cạnh đó, thức đêm để đổ rượu bia cùng với những miếng mồi thiếu an toàn vệ sinh vào người - thì sức khỏe rồi sẽ thế nào? Câu trả lời chắc là dân nhậu đêm biết rất rõ!

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục