Về Côn Đảo để soi mình

Về Côn Đảo để soi mình

Trong những ngày tháng 7, khi cả nước đang long trọng tổ chức 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2014), đoàn đại biểu TPHCM đã tìm về với vùng đất thiêng Côn Đảo - nơi được mệnh danh địa ngục trần gian, minh chứng cho lịch sử oai hùng về sự đấu tranh ngoan cường và anh dũng hy sinh của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước.

Nước mắt rơi nơi “địa ngục trần gian”

Hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại hòn đảo tù đày khét tiếng Côn Đảo. Những bước tường thành rêu phong cổ kính những dãy nhà tù, xà lim, chuồng cọp - nơi giam cầm, tra tấn những người yêu nước vẫn còn đây. Qua dòng chảy của thời gian, những tường thành, nhà tù thêm phần cổ kính nhưng sự tàn ác, hà khắc của chế độ cai tù đối với những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước thì vẫn hiện lên nguyên vẹn qua chứng tích, gây xúc động mạnh cho những ai đặt chân đến nơi đây.

80 tuổi, lần đầu tiên được đến Côn Đảo, ông Nguyễn Hữu Tước (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) lặng người khi nghe người hướng dẫn kể về những cảnh tra tấn dã man những chiến sĩ cộng sản, người yêu nước của ta trong các “chuồng cọp” Pháp. “Tôi choáng vì mức độ tàn bạo của thực dân với đồng bào ta. Cái giá các cô chú, các anh chị ấy phải trả cho cuộc sống thanh bình hôm nay là quá lớn lao” - ông Tước xúc động rơi nước mắt. Chị Vũ Thị Bảy, công nhân Xí nghiệp may Thị Nghè, Tổng Công ty Dệt may Gia Định, cũng lau nhanh giọt nước mắt khi nghe kể về các chiến sĩ ngày ấy đã tự mổ bụng mình để phản đối chế độ man rợ của nhà tù.

Đoàn đại biểu TPHCM trong Hành trình về Côn Đảo anh hùng.

Đoàn đại biểu TPHCM trong Hành trình về Côn Đảo anh hùng.

Có lẽ, ai về Côn Đảo những ngày tháng 7 lịch sử cũng đều như vậy, rưng rưng, bồi hồi, khắc khoải nỗi niềm trong sự tri ân, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, những người yêu nước đã sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích khoảng 20ha, là nơi yên nghỉ của 2.000 chiến sĩ, vẫn còn đó vô số những ngôi mộ chưa có tên... Có lẽ điều đặc biệt của Nghĩa trang Hàng Dương so với tất cả các nghĩa trang khác trên cả nước, đó là các ngôi mộ liệt sĩ không quy tập lại mà nằm rải rác trên các khu đất đồi, dưới những tán cây xanh, bên cạnh các lối đi ngoằn ngoèo cao thấp. Theo hướng dẫn viên, khi tìm kiếm, phát hiện được hài cốt liệt sĩ nằm ở vị trí nào thì ốp đá xung quanh thành mộ chứ không quy tập.

Vì vậy trong Nghĩa trang Hàng Dương nơi nào cũng có mộ liệt sĩ nằm không theo hàng lối. Đã đến rất nhiều lần, thắp nén nhang trên mộ người cha liệt sĩ hy sinh khi chị Lê Bích Loan (Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP) chỉ mới 3 tuổi. Chị xúc động: “Cha tôi may mắn được tìm thấy, còn lại, trong từng nắm đất, gốc cây của Côn Đảo này vẫn còn lẩn khuất xương cốt của nhiều liệt sĩ lắm…”.

Hãy đến với Côn Đảo

Đã nhiều lần tổ chức các chuyến về nguồn tại Côn Đảo nhưng lần nào đồng chí Thân Thị Thư, UV Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng có xúc cảm đặc biệt khi nhìn những dòng người đang lặng lẽ xếp hàng vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương - nơi được mệnh danh “Bàn thờ của Tổ quốc”. Cũng có cha là liệt sĩ, nên những ngày này với đồng chí có một sự đồng cảm thật đặc biệt.

Nhà tù Côn Đảo, nổi tiếng là “địa ngục trần gian” nhưng cũng là trường học cách mạng, là ngọn lửa tôi luyện ý chí, nghị lực, niềm tin và là nơi tình đồng chí, đồng đội sống chết một lòng yêu thương và đùm bọc. “Các cô, các bác đã hy sinh để có độc lập tự do hôm nay, chúng ta là những người được thụ hưởng sự hy sinh đó nên tôi mong mỏi từng thành viên của đoàn ngày hôm nay hãy luôn tâm nguyện làm được việc gì có lợi cho dân, có lợi cho nước thì cố gắng làm, xứng đáng với sự hy sinh đó. Tôi nghĩ, đời người nên có ít nhất một lần đặt chân đến Côn Đảo để được soi mình vào lịch sử, nhất là các cán bộ trẻ”- đồng chí Thân Thị Thư bày tỏ.

Gần 40 năm sau ngày giải phóng, dù những dấu tích “địa ngục trần gian” vẫn còn nguyên, nhưng cuộc sống ở huyện đảo này đã hoàn toàn thay đổi. Côn Đảo giờ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. “Côn Đảo đã ôm trong mình biết bao sự hy sinh của cha ông. Điều này luôn nhắc nhở tôi về niềm tự hào lịch sử dân tộc, về những hành động ý nghĩa mỗi ngày dành cho TP, cho dân tộc mình” - Thạc sĩ Võ Trung Tín, Bí thư Chi bộ Sinh viên 1, Trường ĐH Luật TPHCM, xúc động nói.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục