Về đâu nghề chiếu Cà Mau

Về đâu nghề chiếu Cà Mau

Lúc hưng thịnh, chiếu Cà Mau ngược xuôi khắp mọi miền đất nước và từng xuất khẩu sang các nước bạn như Lào, Campuchia. Chiếu Cà Mau được nhiều người ưa chuộng bởi cách dệt thủ công truyền thống rất bền đẹp. Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau đang ngày càng teo tóp lại.

  • Nỗi niềm bị lãng quên

Có lẽ trong chúng ta - người dân Nam bộ - không ai không biết đến bài ca Tình anh bán chiếu nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca xuất sắc của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bài ca ấy đã góp phần tôn vinh và tạo nên ấn tượng sâu sắc, đậm đà cho nghề dệt chiếu - chiếu Cà Mau!

Con người Việt Nam, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được nằm trên manh chiếu nhỏ. Khi trưởng thành, đến ngày cưới, lòng nôn nao đi chọn đôi chiếu Tân hôn. Và đến khi lìa đời, thân xác cũng được tẩm liệm bằng đôi chiếu mới. Nghĩa là suốt cuộc đời gắn liền với chiếu, nhưng lại có mấy ai hiểu được cái nắng mưa, cực nhọc của người thợ dệt tảo tần làm ra đôi chiếu?

Nụ cười cô bán chiếu, một mai có mai một? Ảnh: H.LÂM
Nụ cười cô bán chiếu, một mai có mai một? Ảnh: H.LÂM

Theo những người cố cựu trong nghề thì ở Cà Mau, nghề dệt chiếu từng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương: Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), nhưng nổi tiếng nhất là chiếu lẫy của Tân Thành, TP Cà Mau.

Chiếu lẫy là những chiếc chiếu dệt tỉ mỉ với nhiều loại hoa văn mang một ý nghĩa nhất định nào đó, có thể là chim muông, hoa lá… được người mua đặt để dành cho những dịp đặc biệt trang trí giường ngủ cho đôi uyên ương ngày cưới, tặng bạn bè, người thân. Để có được những đôi chiếu lẫy, người làng chiếu trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm qua.

Với sự khéo léo và sức sáng tạo tuyệt vời, người dệt chiếu đã lẫy những sợi lác có màu sắc khác nhau tạo nên hàng trăm mẫu mã như: hình rồng phụng dành cho đám cưới, chiếu có câu đối chúc may mắn vào dịp lễ, tết, hình chim muông, thắng cảnh, sông nước, núi non… Nhờ thế, một thời chiếu Cà Mau có chỗ đứng trên thị trường. Chiếu Cà Mau từng cùng với chiếc xuồng ba lá, chiếc ghe bầu ngược xuôi khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến với người tiêu dùng.

Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau ngày càng teo tóp lại. Xã Tân Thành, nơi có làng chiếu một thời vang bóng hiện cũng chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề. Người làm nghề dệt chiếu ở đây chỉ còn dệt khi có người đặt trước, bởi nếu dệt sẵn mà không có người mua thì lỗ nặng.

Chị Trần Như Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, nói trong tiếc nuối: “Bây giờ thu nhập chính của người dân là cá chình, cá bống tượng nên hầu như nhà nào cũng cuốc đất lên để làm ao nuôi cá. Một vụ thu hoạch cá có khi còn hơn một năm làm chiếu nên chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề. Từ đó, diện tích trồng lác của xã ít đi thấy rõ”.

Theo số liệu thống kê của hội phụ nữ xã, hiện Tân Thành chỉ còn không quá 60 gia đình giữ nghề dệt chiếu. Họ bỏ nghề không chỉ vì lợi nhuận từ con cá, con tôm mà còn bởi khó khăn đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu, nguồn lao động tại chỗ.

Chị Phan Mỹ Giới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Tân Thành, cho biết, toàn ấp chỉ còn khoảng 14 hộ gia đình dệt chiếu, hầu hết đều là những người lâu năm gắn bó với nghề. Phần lớn những hộ này có ít đất sản xuất hoặc coi dệt chiếu như một nghề phụ để trang trải chi phí đầu tư nuôi cá.

Chị Phan Thị Út, 41 tuổi, dệt chiếu từ thuở nhỏ nhưng giờ cũng không còn theo nghề, tâm sự: “Trước đây tôi dệt một năm trên một trăm đôi chiếu, giá bán mỗi đôi không dưới 200.000 đồng. Giờ đây, do đầu ra không ổn định, hơn nữa con cái lại chọn nghề khác để làm nên nhà không còn người, đành bỏ nghề chuyển hẳn qua nuôi cá”.

Căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi mà chị Út đang ở cũng bắt đầu từ nghề dệt chiếu. Chị luyến tiếc chia sẻ: “Mình cũng muốn giữ nghề lắm nhưng đành chịu. Dệt chiếu đòi hỏi nhiều công lao động, cả gia đình phải trồng lác rồi thu hoạch, phơi, nhuộm, con cái không theo nghề thì biết làm sao. Mướn người làm rất khó, bởi thanh niên bây giờ hầu hết đều lên các tỉnh trên để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân cả”.

Dệt chiếu thủ công.
Dệt chiếu thủ công.
  • Làng nghề về đâu?

Không như trước, bây giờ muốn làm chiếu, người dân làng nghề không chỉ bỏ công mà còn phải đầu tư tiền bạc nhiều hơn. Trước đây, lác mọc hoang, muốn làm chiếu thì ra đồng chặt đem về, nhưng hiện tại ruộng hoang không còn nên muốn có lác phải mua. Do khan hiếm nên giá lác cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chị Cao Thị Hồng, ấp 6, cho biết: “Giá một công lác mấy năm trước chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng hiện tại 4 triệu đồng, có khi người ta còn không thèm bán. Mua lác không có chuyện trả theo kiểu gối đầu hay mua thiếu, phải trả tiền liền, nếu không họ bán cho người khác”.

Chính vì cần có vốn ban đầu để làm chiếu nên hiện không ít hộ gia đình ở làng chiếu Tân Thành gặp khó. Chị Trần Như Thảo cho biết thêm, để làm chiếu mỗi hộ gia đình cần đầu tư ít nhất 3 triệu đồng để mua nguyên liệu như: lác, bố, màu… Những người trong làng nghề cũng được hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhưng xem ra hiệu quả chưa cao.

Một nguyên nhân nữa khiến cho máy dệt chiếu có nguy cơ thành… đồ cổ đó là chất lượng, kiểu dáng chiếu dệt bằng máy không thể sánh bằng chiếu thủ công. Cũng vì người sử dụng không ưa chuộng những chiếc chiếu “thiếu thẩm mỹ” nên sản phẩm do máy dệt chiếu làm ra rất khó tiêu thụ.

Nghề dệt chiếu bằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, sản phẩm làm ra vẫn có chỗ đứng trên thị trường nhưng ngày một tàn lụi. Chị Phan Thị Út cho biết: “Giá chiếu bán ra không hề giảm mà vẫn tăng hàng năm theo giá thị trường. Hiện một đôi chiếu bông có giá từ 250.000 - 300.000 đồng trở lên. Người dệt chiếu vẫn sống được với nghề bởi một gia đình có thể dệt trên trăm đôi chiếu/năm. Tuy nhiên, để sống được với nghề người dân cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng với những chính sách hợp lý, có vậy họ mới yên tâm gắn bó với nghề".

Được biết, trước đây, xã Tân Thành đã thành lập hợp tác xã dệt chiếu nhưng được một thời gian, hiện hợp tác xã này gần như không còn hoạt động do chia tách địa giới hành chính thành xã Tân Thành và phường Tân Thành.

Phơi lác ở làng chiếu Tân Thành. Ảnh: H.LÂM - N.SƠN
Phơi lác ở làng chiếu Tân Thành. Ảnh: H.LÂM - N.SƠN

Trong nỗ lực khôi phục nghề dệt chiếu, hợp tác xã dệt chiếu Tân Thành cũng được Nhà nước đầu tư một máy dệt chiếu hiện đại, nhưng chỉ được sử dụng thời gian đầu còn bây giờ thì xếp đống, nằm một chỗ. Chị Phan Mỹ Giới chia sẻ, máy được đầu tư gần 40 triệu đồng, tuy hoạt động khá tốt, rút ngắn được thời gian dệt nhưng hiện nay đầu ra không có, nguyên liệu lại khan hiếm nên không thể hoạt động được.

Nghề dệt chiếu ở Cà Mau tồn tại đã bao đời, khôi phục làng nghề truyền thống cũng là tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song, để làng nghề này có bước phát triển và mang lại hiệu quả hơn, người làm chiếu ở Cà Mau rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng trong tỉnh trợ giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. 

ĐẶNG DUẨN

Tin cùng chuyên mục