Vé tập xe buýt - Nới rồi lại thắt!

Tiếp thu, nhưng chưa đủ
Vé tập xe buýt - Nới rồi lại thắt!

Mặc dù công luận đã nhiều lần lên tiếng về những phiền hà, bất cập chung quanh chuyện vé tập xe buýt, tuy nhiên thật đáng tiếc và cũng khó hiểu là đến nay Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (TTQLĐH VTHKCC) TPHCM vẫn chỉ đổi mới nửa vời!

Mua vé xe buýt tập tại Trạm xe buýt Sài Gòn. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Mua vé xe buýt tập tại Trạm xe buýt Sài Gòn. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Tiếp thu, nhưng chưa đủ

Cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực cải tiến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây, tiêu biểu là việc sắp xếp lại hợp lý hơn đầu mối Trung tâm điều hành xe buýt tại đoạn trước bùng binh Quách Thị Trang, quận 1.

Từ đầu năm 2013, ngành giao thông vận tải TPHCM tung ra một cải tiến liên quan đến vé tập, theo đó không in và bán ra vé tập dành cho một số đối tượng ưu tiên trong đó có đối tượng sinh viên học sinh. Thay vào đó, sinh viên học sinh khi đi xe buýt chỉ cần xuất trình bằng chứng mình thuộc đối tượng ưu đãi, ví dụ thẻ sinh viên, thẻ học sinh thì sẽ chỉ phải trả 2.000 đồng/lượt đi. Cách làm này rất tiện, các em khỏi lỉnh kỉnh vé tập loại này vé tập loại kia và nhà xe cũng thu ngay được “tiền tươi”.

Nói cách khác từ đầu năm nay, ngành giao thông vận tải thành phố chỉ còn in hai loại vé tập. Tập vé màu đỏ hồng có mệnh giá 5.000 đồng/vé và tập vé màu xanh có mệnh giá 6.000 đồng/vé. Vấn đề phiền hà cho hành khách ở chỗ, loại vé tập 5.000 đồng chỉ dùng cho xe buýt có lộ trình dài dưới 18km và vé tập 6.000 đồng/vé dùng cho lộ trình xe buýt dài trên 18km. Người dân nếu đi tuyến dưới 18km và sẵn lòng trả tấm vé 6.000 đồng cũng không được nhà xe chấp nhận, với lý do được nêu ra là: Có lấy vé 6.000 đồng đem về TTQLĐH VTHKCC cũng không chịu nhận!

Rõ ràng đây là quy định có tính trói buộc cứng nhắc đối với người sử dụng vé tập trong khi lẽ ra TTQLĐH VTHKCC phải quy định thoáng hơn, tức là theo hướng thuận tiện hơn cho người dân, kiểu như loại xe buýt có hành trình dưới 18km vẫn được quyền nhận vé tập loại dành cho xe buýt hành trình dài trên 18km, nếu hành khách tự nguyện, đồng ý trả nhiều tiền hơn lẽ ra phải trả. Được như thế, sẽ không còn cảnh người dân khi có việc sử dụng xe buýt phải thủ cùng lúc trong túi hai loại vé tập, rất lỉnh kỉnh.

Sau khi báo chí phản ánh, xem ra TTQLĐH VTHKCC đã tiếp thu. Theo thông tin mới nhất vừa được đầu mối quản lý hoạt động xe buýt này trả lời báo chí, từ ngày 1-6-2013, người dân nếu tự nguyện, có thể dùng vé tập mệnh giá 6.000 đồng để trả cho cự ly dưới 18km.

Vẫn nửa vời

Có thể nói việc đưa vào sử dụng vé tập xe buýt cách đây khoảng 3 năm là một động tác cải tiến tích cực của ngành vận tải thành phố. Bởi nó đã làm một công nhưng đạt được cùng lúc đôi ba việc: tiện cho hành khách, tiện cho quản lý và cũng đồng thời đem lại tác dụng kích cầu thông qua việc tạo thói quen đi xe buýt cho hành khách.

Còn nhớ từ ngày 1-9-2009, vé tập tháng được chính thức tung ra, thay thế cho tem vé tháng trước đó vốn có nhiều hạn chế. Đơn vị chủ trì việc này, tức TTQLĐH VTHKCC bấy giờ đưa ra một quy định đáng chú ý: “Khi đi xe buýt, một tập vé chỉ có giá trị cho một người, không được tách lẻ vé cho người khác cùng sử dụng”. Sự chặt chẽ này tiếc thay lại là phiền hà cho hành khách.

Cứ thử hình dung chẳng hạn, 4 người trong gia đình lên xe buýt đi Suối Tiên chơi ngày nghỉ cuối tuần nhưng nếu tuân theo quy định này thì mỗi người bắt buộc phải “thủ” trong túi một tập vé xe buýt để lấy vé cho bản thân mình. Bố mẹ có tập vé cũng không thể trả thay cho con và ngược lại. Những lời phàn nàn của hành khách tới tấp bay về TTQLĐH VTHKCC, rốt cục đến cuối tháng 9 năm nay TTQLĐH VTHKCC đã “cởi trói” cho vé tập, bằng cách chấp nhận việc sử dụng cùng một tập vé cho nhiều người khi đi theo nhóm, cùng chuyến xe trên các tuyến xe buýt có trợ giá.

Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang, bởi vì áp dụng chưa bao lâu, vé tập lại được chấn chỉnh bằng cách quay về như cũ khi TTQLĐH VTHKCC đưa ra thông báo “đối với loại vé tập, khi đi xe buýt, một tập vé có giá trị sử dụng cho một người, không được tách lẻ vé cho người khác cùng sử dụng”!

Tại sao lại quay về ràng buộc vé tập như vậy? Theo giải thích từ phía TTQLĐH VTHKCC, sẽ có khó khăn cho công tác kiểm soát đột xuất: nếu người cầm tập vé xuống trạm trước trong khi những người được trả vé thay vẫn còn đi tiếp, khi đó kiểm soát viên không còn cuống vé để kiểm chứng xem tiếp viên xe buýt đã xé đúng loại vé hay không. Có nhiều điều chưa thuyết phục trong lý giải này.

Thứ nhất, động thái này suy cho cùng chỉ đặt trên quyền lợi của phía quản lý mà không thực sự xem trọng tính thuận tiện cho hành khách, những người đã bỏ tiền mua tập vé để dùng dài ngày, tức là những người đã chọn lựa, hưởng ứng “Nào ta cùng Buýt” như lời kêu gọi của ngành vận tải thành phố. Thứ hai, việc kiểm tra đột xuất cũng không thể bao quát được hết lượng hành khách lên xuống trong ngày, tức là nếu có lọt lưới thì cũng vẫn có thể lọt lưới rất nhiều, chưa kể trong thực tế, không ít kiểm soát viên khi lên xe buýt kiểm tra chỉ xem qua loa chiếu lệ vé của hành khách trong vài phút rồi lại xuống trạm tiếp theo.

Việc liên tục thay đổi quy định sử dụng vé tập, hết hạn chế rồi nới lỏng rồi quay lại bó buộc cũng đã phần nào phản ánh sự lúng túng trong quản lý của cơ quan chức năng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề này, phía TTQLĐH VTHKCC trả lời như… không trả lời khi nói chung chung rằng: Theo quy định mỗi tập vé chỉ có giá trị sử dụng cho một người và không được tách lẻ vé cho người khác cùng sử dụng. Chúng tôi chưa thể truy tới cùng câu trả lời chung chung này, đơn giản vì giám đốc TTQLĐH VTHKCC Lê Hải Phong chỉ trả lời bằng cách yêu cầu phóng viên viết ra giấy để lại câu hỏi, rồi sau đó TTQLĐH VTHKCC trả lời bằng văn bản, chứ không trao đổi trực tiếp với báo chí.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục