Về vườn làm… “Tư ếch”

Về vườn làm… “Tư ếch”

“Lát rồi em coi, nhìn tướng hai đứa xăn quần lội bì bõm trong hồ chăm chút cho ếch. Ở chết gí nơi đồng không mông quạnh này, đố ai biết tụi nó là dân thành phố chính hiệu, tốt nghiệp đại học, từng có công ăn chuyện làm ngon lành ở hãng nước ngoài…” - vừa dẫn tôi vào trại ếch mẫu của hai nông dân trẻ Bùi Lê Bảo Hoàng và Trần Văn Thanh, chị Lê Thị Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn không ngớt lời... quảng cáo

Bỏ phố

Thanh (phải) và Hoàng bên hồ nuôi rắn
Thanh (phải) và Hoàng bên hồ nuôi rắn

Hoàng sinh năm 1978, tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin.  Thanh sinh năm 1979, tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử viễn thông. “Ngấp nghé” hàng 8X, năng động, hiện đại, sành công nghệ, ra trường, Hoàng tìm được chân thiết kế trang web cho một công ty bảo hiểm, Thanh phụ trách phần kỹ thuật và khâu quảng cáo ở văn phòng đại diện một tờ báo. Từ nhỏ sống ở phố, ra đường quen phóng xe máy, đến công ty cả ngày ngồi phòng máy lạnh gõ bàn phím, vậy mà cả hai quyết định về vườn. Vài lần cùng bạn bè ra ngoại thành hóng mát ngày cuối tuần, Hoàng đâm mê cái không khí dân dã ở miệt đồng, mê cảnh người ta nuôi ếch, nuôi rắn, nuôi lươn. Thích quá, Hoàng tâm sự với Thanh - thằng bạn thời đại học. Chẳng ngờ Thanh ủng hộ! Thế là gom góp vốn liếng mấy năm đi làm, thuyết phục, vận động thêm tài trợ của gia đình, cộng với một chút lãng mạn của tuổi trẻ, nhiều liều lĩnh và đam mê, Thanh, Hoàng bỏ việc, ôm tiền về Hóc Môn quyết tâm lập nghiệp.

Về vườn

Con đường dẫn vào ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn khá ngoằn ngoèo. Giữa đồng không mông quạnh là điểm trình diễn nuôi ếch công nghiệp của hai ông chủ trẻ. Nhớ lại 2 năm trước, Hoàng còn rùng mình vì cái sự liều: Ôm hơn 100 triệu đồng về, hai đứa mua miếng đất 1.000m2 xây hồ nuôi ếch. Phong trào nuôi ếch Thái Lan lúc đó đang rộ. Hăng máu, đất vừa san lấp, hồ vừa xây xong là Hoàng đem tiền mua liền 10.000 ếch con về thả. Thả vô buổi sáng, buổi chiều ếch phơi bụng nổi lềnh bềnh. Tìm hiểu kỹ mới biết đã mua nhầm con giống dỏm. Bài học “nhập môn” trị giá 16 triệu đồng. Đã vậy, thêm vài lần mất tiền vì chưa có kinh nghiệm, hai bạn trẻ thật sự ngấm đòn, vỡ lẽ ra rằng: xem hàng đống sách về nông nghiệp, truy cập hàng chục trang web thông tin về nuôi ếch là một chuyện, bắt tay vào nuôi lại là chuyện khác, lơ mơ mất trắng!

Hết dám liều, cả hai ngồi bàn: Thanh có nhiệm vụ lân la học hỏi kinh nghiệm của những trại nuôi ếch lớn, Hoàng ra hội nông dân xã xin tài liệu, tham gia các lớp tập huấn. Người nào việc nấy. Sau một thời gian “tầm sư học đạo”, cả hai nắm được nguyên tắc vàng: để đảm bảo chất lượng giống, phải chủ động nguồn giống. Không gì tốt hơn là cho sinh sản rồi sử dụng chính con giống mà mình tạo ra. 300 cặp ếch bố mẹ được tuyển lựa mang về cho giao phối, sinh sản.

Những ngày ếch đẻ, cả hai lo cho ếch như bà mụ: túc trực thay nước, đo nhiệt độ, đo độ sâu. Nguồn nước sử dụng phải lấy từ giếng đã qua xử lý. Những đợt triều cường, mùa mưa, ngày bão, Thanh và Hoàng không dám rời chòi canh. Chỉ cần thay đổi độ sâu của nước hoặc một biến cố bất ngờ xảy ra, công sức bao lâu nay sẽ tan thành mây khói. Mồi cho ếch luôn phải là mồi sống. Hồ nuôi cá lập tức được xây cạnh hồ ếch để phục vụ cho nhu cầu về thức ăn tươi. Ếch con ăn cá cảnh. Ếch bố mẹ ăn cá sặt, cá rô…

Cuối cùng, công sức bỏ ra cũng được đền đáp: ếch sinh sản tốt, tỷ lệ con giống cao, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 90%. Đến nay, với 300 cặp ếch bố mẹ liên tục cho sinh sản xoay vòng, một tháng, Thanh và Hoàng có 40.000 con giống nuôi tiếp thành ếch thịt. Hàng ngày, trại ếch luôn xuất hàng đi các chợ đầu mối. Khi phong trào nuôi ếch Thái Lan lắng xuống, nhiều hộ nuôi thất bại, bỏ nghề, trại ếch của Thanh và Hoàng vẫn trụ vững.

Từ 1.000m2 ban đầu hai bạn đã mở rộng trại lên 4.000m2. Thời gian này, Thanh còn nuôi thêm  rắn để tận dụng nguồn thức ăn từ những con ếch đèo đẹt, bị thương. Đàn rắn của Thanh đã lên tới 200 con. Những lần lội vô hồ chăm sóc, thăm nom, bị rắn cắn, Thanh lo cho mình thì ít, lo cho rắn thì nhiều. Cậu bộc bạch: “Rắn không độc, khi cắn mình, nó sẽ bị gãy răng. Nhưng chết một con lớn là coi như “đi” hơn triệu bạc.”. Hiện tụi này đang cho đào ao thả cá, mở rộng trang trại”. Sau khi trừ các khoản chi phí và vốn mở rộng, tái đầu tư, tiền lãi còn dư được từ ếch của năm đầu tiên khoảng 60 triệu đồng. Còn rắn tới kỳ xuất bán, nhà hàng vào cân ký, cứ 30-40 ngàn/ký mà tính tới. Với Thanh và Hoàng, con số này cũng đủ để khích lệ mình đi tiếp.

Mô hình sản xuất sạch

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện nhiều hộ nuôi ếch Thái Lan đang thất bại, ếch nuôi thường mắc chứng bụng ỏng đùi teo, bị ép giá, Hoàng quả quyết: “Tụi này đã tìm ra nguyên nhân. Chẳng qua là do bà con còn cho ếch ăn tạp, ăn mồi chết, xử lý nước không kỹ nên bị nhiễm bệnh từ nguồn nước. Nếu làm thật kỹ những khâu đó, chắc chắn sẽ thành công”. Chị Lê Thị Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn khen: “Hai đứa này có cái ngộ là không biết giấu nghề. Hễ học được cái gì mới là nhiệt tình chỉ lại cho bà con. Hiện tại, hai đứa còn cung cấp con giống cho nhiều hộ trong xã nuôi với quy mô lớn, bao tiêu luôn đầu ra, phụ trách cả phần kỹ thuật, tới ngày thu mua phải thuê cả xe tải xuống chở ra chợ đầu mối”.

Mục tiêu trước mắt của Thanh và Hoàng là xây dưng mô hình sản xuất thịt ếch sạch cung cấp cho các siêu thị.  Hoàng tự tin: “Thịt ếch chỉ ngon khi quá trình nuôi không sử dụng thuốc, không dùng thức ăn tăng trọng và không bị nhiễm bệnh. Tụi này đang dần hoàn thiện mô hình nuôi ếch sạch, tiến tới chế biến thành phẩm để “tìm đường” vào siêu thị, hình thành thương hiệu thịt ếch sạch đầu tiên trên thị trường TP.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục