Đến “xóm lò đất” ở phường 5, quận 8 TPHCM hỏi thăm anh “Sáu Kiệt nấu ăn” ai cũng biết. Từ lâu anh đã nổi tiếng là thương binh “tàn nhưng không phế”. Không chỉ ổn định cuộc sống bản thân, Sáu Kiệt còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.
Gia đình anh Trần Anh Kiệt (Sáu Kiệt, ngụ tại 1199/48A đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8) có tới 4 anh em trai đều lần lượt đi bộ đội. Sáu Kiệt nhập ngũ năm 1982, vào Đơn vị 479 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Nhớ lại thời trai trẻ, Sáu Kiệt sôi nổi: “Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, không thể ngồi yên nhìn kẻ thù tàn sát đồng bào ta ở vùng biên giới, tôi cùng nhiều thanh niên TP tình nguyện lên đường sang Campuchia chống nạn diệt chủng. Chiến đấu tại chiến trường Campuchia được hơn 1 năm, tháng 6-1983, ở mặt trận Xiêm Riệp, tôi đạp phải bẫy mìn của địch nên bị cụt mất một chân, trở thành thương binh 2/4”. Sau khi điều trị tại các quân y viện, Sáu Kiệt trở về gia đình với chiếc chân giả. Sáu Kiệt nói, lúc đầu anh cũng bi quan lắm, nhưng nhờ sự động viên giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương nên dần dần anh đã ổn định tinh thần và cuộc sống.
Thấy hoàn cảnh Sáu Kiệt khó khăn, chính quyền quận 8 đã trợ cấp mỗi tháng mấy trăm ngàn đồng và tặng anh một căn nhà tình nghĩa. Để ổn định cuộc sống, hàng ngày Trần Anh Kiệt theo bà ngoại phụ bán tạp hóa ở chợ Bình Tây. Tại đây, anh học lóm được cách làm ăn nhưng không có vốn nên đành chịu. Có người chỉ dẫn anh ra phường vay 3 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo để mở quán hủ tiếu, nhưng lần đầu “ra quân”, bị lỗ nặng khiến anh phải chạy đôn chạy đáo vay tiền trả nợ. “Thua keo này, bày keo khác”, năm 1995, Sáu Kiệt lại mạnh dạn ra phường vay 5 triệu đồng mở dịch vụ nấu ăn trọn gói. Nhờ cách làm ăn cẩn thận, có uy tín và thái độ hòa nhã với khách hàng, lần này nhóm nấu ăn của Sáu Kiệt thành công. Nhờ nấu ăn ngon nên địa bàn nấu ăn của Sáu Kiệt mở rộng từ quận 8 sang nhiều quận huyện khác rồi cả các tỉnh lân cận TP như Long An, Tiền Giang, Bến Tre… Giờ đây, Sáu Kiệt trở thành “tổng giám đốc” điều hành nhóm nấu ăn với hàng chục người lo chu đáo từ đi chợ, nấu ăn, phục vụ để bàn tiệc không thiếu thứ gì. Có ngày Sáu Kiệt nhận đặt nấu từ 4 đến 10 đám tiệc gồm ăn hỏi, giỗ chạp, cưới xin, sinh nhật… cho hàng trăm thực khách ở nhiều nơi.
Làm ăn phát đạt, Sáu Kiệt quay lại giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người nghèo trong xóm, có lúc anh huy động đến gần 50 lao động trong xóm và cả vùng lân cận. Anh trả lương thời vụ từ 100.000 đến 300.000 đồng/người/ngày, có người gắn bó với anh suốt mấy chục năm qua. Nhờ vậy, “xóm lò đất” giờ đây lúc nào cũng nhộn nhịp không khí làm ăn, không còn cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Bà con xung quanh cho biết, xóm này trước kia có nghề làm lò đất truyền thống nhưng bây giờ nhà nào cũng xài bếp gas, bếp điện, bếp từ hiện đại nên nghề này bị mai một, chỉ còn vài gia đình làm lò đất đi bỏ mối ở các tỉnh. Vì vậy số lao động dôi dư thất nghiệp khá nhiều, nay may nhờ Sáu Kiệt giải quyết công ăn việc làm cho mọi người nên cuộc sống nhiều nhà đã ổn định hơn…
Có của ăn của để, Sáu Kiệt nhường suất trợ cấp khó khăn cho người khác, hàng năm anh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: ủng hộ “Bữa cơm người già” (trị giá khoảng 30 triệu đồng); đóng góp 5 suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học (trị giá 5 triệu đồng); tặng thẻ bảo hiểm y tế cho các CCB nghèo; ủng hộ bà con các vùng thiên tai lũ lụt, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì Trường Sa thân yêu… Có năm anh dành hơn 100 triệu đồng làm công tác từ thiện xã hội. Thấy anh vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa đơn sơ, trên tường treo nhiều bằng khen của Hội CCB TP, Hội Chữ thập đỏ TP, UBND quận 8 về thành tích thương binh vượt khó, tham gia các công tác xã hội từ thiện, chúng tôi hỏi anh sao không dành tiền sửa lại nhà mới. Anh xúc động: “Căn nhà tình nghĩa này là của chính quyền quận 8 giúp đỡ tôi từ thuở hàn vi nên tôi rất gắn bó và biết ơn. Đây chính là động lực để tôi góp sức giúp đỡ nhiều người nghèo khác cùng vươn lên như mình…”.
Trước khi chia tay, Sáu Kiệt khoe: “Tôi đã được Hội CCB TPHCM chọn ra Hà Nội dự Liên hoan CCB toàn quốc vượt khó và ra Đà Nẵng dự Hội nghị biểu dương người có công cách mạng, vì thế tôi càng phải sống sao cho xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ và thương binh tàn nhưng không phế như lời Bác dặn…”.
NGỌC LAN