Câu chuyện về cô bé học sinh lớp hai tên T., ở Trường TH Trung Lập Thượng huyện Củ Chi, TPHCM bị nghi lấy cắp tiền của cô giáo và bị tra hỏi, bị công an đưa về trụ sở để “hỏi cung” khiến những ai có con đang đi học hoặc trong độ tuổi tiểu học đều cảm thấy nhói lòng, phẫn nộ.
Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, bỗng dưng em bị cô giáo nghi oan, bị hiệu trưởng, thầy tổng phụ trách đội tra hỏi một cách thiếu sư phạm, thiếu sẻ chia khiến em phải nhận là mình đã lấy tiền.
Theo lời khai của em T. giấu tiền chỗ này chỗ kia, mọi người đi tìm nhưng không thấy. Cuối cùng, sự thật lên tiếng là khoản tiền lớn hơn 1 triệu đồng vẫn nằm nguyên trong giỏ của cô giáo. Xâu chuỗi lại tình tiết, diễn biến của câu chuyện này, chúng ta thấy có quá nhiều điều phải bàn trong môi trường sư phạm hiện nay.
Em T. là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xuất thân từ gia đình nghèo khó, ba mẹ ly dị nên em và anh trai phải ở với bà ngoại. Thật xót xa cho em-một cô bé nhỏ nhoi, đơn độc bị dồn thúc, bị bao vây bởi những ánh mắt nghi ngờ, “buộc tội” ăn cắp tiền dù bản thân em không hề phạm lỗi. Là những người làm nghề sư phạm, lẽ ra từ cô giáo, người phụ trách đội đến ban giám hiệu phải hiểu T. và biết cách khơi gợi xem em có lấy tiền thật không thì họ lại thờ ơ, xử lý tình huống một cách vô cảm.
Điều đáng nói ở đây là thầy giáo Tổng phụ trách đội, kiêm công tác tư vấn học đường lại là người chủ động đề nghị báo cáo công an can thiệp. Vì xem em là tội phạm nên họ sẵn sàng giao học sinh còn nhỏ tuổi cho công an “hỏi cung” và ngụy biện là chỉ “hù dọa” thôi. Khi sự việc vỡ lở thì cô hiệu trưởng lại biện minh là mình chỉ giao cho một thầy giáo làm việc với công an chứ không biết chuyện học sinh của mình bị công an dẫn giải về đồn. Ngược lại, phía công an xã lại nói rằng khi đưa em T. về trụ sở, họ đã xin phép nhà trường (!?). Sự thiếu trách nhiệm còn thể hiện ở chỗ nhà trường không cử người đi giám hộ hoặc kêu người thân của em đi kèm đến công an theo quy định của luật pháp. Chỉ có người anh trai học lớp 5 cùng trường bị lôi vào cuộc và phải bỏ học, ngơ ngác theo em đến chốn công quyền.
Câu chuyện buồn khép lại sau lời xin lỗi của cô giáo và Ban giám hiệu Trường TH Trung Lập Thượng rút kinh nghiệm sâu sắc. Thế nhưng, vết thương lòng từ cách hành xử thiếu sư phạm, không tâm lý, thiếu tình người của nhà trường là một vết rạn khó lành. Nếu đâu đó trong không gian, môi trường học đường, vẫn còn nhiều băng rôn, khẩu hiệu “vì đàn em thân yêu, vì môi trường thân thiện, không bạo lực…” treo một cách lạnh lùng, hình thức, thì ở đó học sinh vẫn cô độc, lẻ loi và không được bảo vệ đúng nghĩa.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa triển khai công tác tư vấn học đường cho tất cả các trường học trên địa bàn TPHCM từ TH đến THPT và nêu rõ đây là công tác quan trọng, đòi hỏi giáo viên chuyên trách hay phụ trách phải thấu hiểu, chia sẻ với học sinh mọi điều. Chủ trương đã có nhưng tại cơ sở giáo dục, câu hỏi đến bao giờ học sinh ở TP thực sự được người lớn quan tâm, lắng nghe, sẻ chia những điều các em muốn nói vẫn còn khiếm khuyết, thiếu lời giải.
Khánh Hà