VFF và 383 tỷ đồng

Khi VFF nhiệm kỳ 7 đặt mục tiêu kiếm khoảng 383 tỷ đồng trong năm 2014, mọi người ai cũng thắc mắc: Làm thế nào để có được con số gây sốc đó khi VFF không còn giữ thương quyền tại các giải đấu quốc gia, chỉ còn những quyền lợi liên quan đến các đội tuyển.

Theo thỏa thuận, Công ty VPF sẽ đóng góp cho VFF mỗi năm 10 tỷ đồng sau khi họ được giao quản lý điều hành 3 giải đấu bóng đá nội địa. VFF cũng sẽ có thêm lợi nhuận 30% nếu VPF kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, sau 2 năm điều hành, VPF chỉ mới lấy thu bù chi chứ chưa có lãi. Năm 2014, tình hình còn thê thảm hơn khi các nhà tài trợ V-League, hạng nhất, cúp quốc gia đều giảm kinh phí. V-League được xem là “con bò sữa” để kiếm tiền mà thu được chưa đến 50 tỷ đồng cả mùa giải thì làm sao VFF mong có được tiền lãi mà đóng góp vào mục tiêu doanh thu chung?!

Trong khi đó, trong tay VFF chỉ có đội tuyển quốc gia nam là có khả năng thu hút tài trợ. Các đội tuyển khác chỉ được nhận phần “hương hoa” từ cầu thủ nam. Minh chứng mới đây, khi Công ty Honda tài trợ cho VFF, cũng chỉ trích một phần cho đội tuyển nữ theo kiểu “bán bia kèm đậu phộng” chứ trên thực tế, đội tuyển nữ chưa có bất kỳ khoản tài trợ trực tiếp nào cả.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, vẫn có một số doanh nghiệp muốn tài trợ cho bóng đá nữ, nhưng do VFF đã “bán khoán” toàn bộ thương quyền cho một công ty quảng cáo nước ngoài nên muốn nhận thêm tiền cũng vô cùng gian nan. Điều này xảy ra tương tự với các đội tuyển quốc gia khác như U.23, U.19. Nói như vậy để thấy, mục tiêu 383 tỷ đồng của VFF là vô cùng khó trong tình hình mà chính đội tuyển bóng đá nam cũng không chứng minh nổi sức hấp dẫn để thu hút tài trợ.

Có câu “hãy cho biết cách anh tiêu tiền, tôi sẽ biết cách anh kiếm tiền”. Đã gần nửa năm trôi qua, với “hạt giống” là đội tuyển quốc gia, VFF chỉ mới làm được việc là tìm tân HLV người Nhật Bản. Họ sắp xếp được một trận giao hữu ra mắt nhưng người ta đoán rằng trận đấu đó chỉ mang tính hình thức chứ không đạt được yêu cầu chuyên môn, do đội tuyển chỉ tập trung có 1 tuần lễ và lại trong giai đoạn mà World Cup đang thi đấu gay cấn nhất. “Trình làng” tân HLV và một đội tuyển mới mà làm như vậy, chẳng khác nào tự hạ thấp giá trị của mình, chỉ thêm sự lãng phí mà thôi.

Đấy là chưa kể, hiện tại đội tuyển quốc gia chưa có kế hoạch tập huấn và thi đấu giao hữu nào cụ thể trong năm 2014, cũng không đặt mục tiêu cao tại AFF Cup diễn ra trên sân nhà vào cuối năm. Sự bị động này đã diễn ra nhiều năm qua khiến cho công tác vận động tài trợ cũng bị ảnh hưởng, rất khó để nâng cao doanh thu cho VFF.
 
Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền làm sao để có thể kiếm thêm tiền cho mình còn khó hơn. Bóng đá Việt Nam luôn bị vướng trong vòng luẩn quẩn về cách sử dụng đồng tiền. Hãy nhìn tình cảnh của giải V-League thì biết: Nhiều năm trước, tiền đầu tư đổ vào vô số nhưng không ai dùng tiền đó để nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh và tăng năng lực quản lý của giải đấu, để bây giờ ngay cả số tiền từ bản quyền truyền hình cũng chỉ còn mang tính tượng trưng khi không còn ai muốn tham gia tài trợ cho giải đấu số 1 quốc gia này.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục