Vị cứu tinh trên sông Liên

Có một hủ tục lâu đời của đồng bào dân tộc Hre ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi: người bị chết đuối là do con ma nước đem đi nên sẽ không được cứu. Chỉ khi chết đi rồi mới tìm xác về chôn trên sườn đồi cao. Nhưng với ông, khi nghe tiếng kêu cứu xé lòng chới với giữa dòng lũ xiết, ông đã bước qua “bức tường” hủ tục ấy lao ra giữa dòng sông Liên cuộn chảy giành lấy sự sống cho họ - ông là Phạm Văn Lơ, đồng bào dân tộc Hre, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
Vị cứu tinh trên sông Liên

Có một hủ tục lâu đời của đồng bào dân tộc Hre ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi: người bị chết đuối là do con ma nước đem đi nên sẽ không được cứu. Chỉ khi chết đi rồi mới tìm xác về chôn trên sườn đồi cao. Nhưng với ông, khi nghe tiếng kêu cứu xé lòng chới với giữa dòng lũ xiết, ông đã bước qua “bức tường” hủ tục ấy lao ra giữa dòng sông Liên cuộn chảy giành lấy sự sống cho họ - ông là Phạm Văn Lơ, đồng bào dân tộc Hre, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).

Cứu người trong lũ dữ

Sông Liên bắt nguồn từ huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) chảy qua địa bàn huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) trước khi nhập về dòng Vệ giang rộng lớn. Ông Phạm Văn Đeo (SN 1961) ở tập đoàn 8, thị trấn Ba Tơ dẫn tôi ra “tọa độ chết” nơi ngã ba sông Liên và sông Re, nét mặt còn hiện lên sự kinh hoàng, kể lại: “Cơn lũ quét bất ngờ ngày 23-10-2010. Năm anh em tụi tui đang cầm đục (giỏ đựng), nhá (vợt bắt cá) đi dọc sông Liên. Cá theo con nước về nhiều, không biết lũ đang dâng nhanh. Khi quay mặt về phía làng, nước đã trắng băng. Một người biết bơi, liều mình may mắn thoát được. Còn lại 4 người, trong đó có tui, nhìn những xoáy nước đục ngầu, hung dữ, ai cũng bất lực và chỉ còn chờ chết. Rồi ông Lơ cùng với chiếc ghe xuất hiện. 4 người như vớ được cọc, leo vội lên con đò. Ông vững tay chèo, cắt lũ men theo luồng lạch đưa về bến an toàn. Bước lên bờ, không kịp biết tên vị cứu tinh, chúng tôi chạy một mạch về nhà bởi không nghĩ mình còn sống”…

Năm tháng sau, họ gặp lại nhau, những cái bắt tay thật chặt, nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt sạm đen. Nhưng rồi niềm vui cũng qua nhanh nhường chỗ cho ký ức kinh hoàng về những giờ phút chống chọi với lũ dữ lại trở về. Ông Lơ nói: “Khoảng 3 giờ chiều, tui và bà ấy (vợ ông-Phạm Thị Leng, SN 1954) đang phía bên kia sông thì nghe văng vẳng tiếng kêu cứu, những cánh tay chới với, tuyệt vọng đang đưa cao vẫy cứu. Tui đẩy ghe xuống dòng Liên nhưng bả ngăn lại. Tui nói: “Tui đi cứu bà con, thấy họ bị nạn, cái bụng không thể yên được”. Bà chịu và buông tay chèo để ông băng ra dòng lũ. Nước mênh mông, những dòng xoáy nước đục ngầu sẵn sàng nhấn chìm tất cả, sau khi tính toán hướng đi, tránh né những bãi cát sạn lởm chởm dưới lòng sông, ông cho ghe đi xuôi dòng, rồi cắt lũ đi ngược lên theo hình vòng cung.

Trời vẫn mưa nặng hạt, chiếc ghe nhỏ nhấp nhô giữa dòng, có lúc xoay tròn mất hướng. Ông bình tĩnh xốc lại nhằm chỗ người bị nạn trực chỉ. Hơn một giờ đánh vật với lũ, ông cũng đã đến cứu được 4 người đang bị nạn là Phạm Văn Đeo (SN 1961), Phạm Văn Sơn (SN 1974), Phạm Văn Trim (SN 1968) và Phạm Văn Lái (SN 1968) mặt đã tái nhợt. Phạm Văn Sơn khóc òa lên như đứa trẻ, bước lên ghe vẫn nghĩ mình không còn sống. Ông Sơn kể, khi được cứu sống, về nhà mổ heo ăn mừng. Lấy máu heo tưới lên đầu để gọi hồn vì nghĩ hồn đã đi theo con ma nước.

Vị cứu tinh trên sông Liên ảnh 1

Ông Lơ đưa các em học sinh qua sông đến lớp

Người “chèo đò” thầm lặng

Thôn Con Cua và Đồng Dâu, xã Ba Cung bị cách trở bởi dòng sông Liên. Đây là hai thôn của xã chưa có cầu. Vậy nên, cứ mỗi mùa lũ về, 104 hộ dân lại bị cô lập. Bà Phạm Thị Phu sinh con lúc một giờ sáng cũng chạy đến ông Lơ; bà Phạm Thị Phí nửa đêm đau ruột thừa cũng gọi ông; trao đổi lương thực, hàng hóa của dân, cán bộ xã muốn đi công tác qua sông phải có ông Lơ. Bởi không có tay chèo nào dám thay ông đối diện với dòng nước lũ kinh hoàng đầy hiểm họa để đưa họ qua sông an toàn. Nhưng có lẽ biết ơn ông nhiều nhất vẫn là lứa học trò bậc tiểu học.

Cô giáo Huỳnh Thị Thịnh, phụ trách đội, đã gắn bó với Trường Tiểu học Ba Cung 22 năm, nói: “Mỗi năm học, có 30 em học sinh, nhóm lớp 1 đến lớp 5 từ các thôn vượt sông tìm chữ. Mùa cạn, các em lội suối đến trường. Lũ về, ông Lơ tự nguyện đưa các em qua sông”. Tôi nhẩm tính, 24 năm chèo đò, mỗi năm học 30 em học sinh, nhân lên sẽ là… 720 em đã từng ngồi trên con đò của ông để đến trường. Có thể trong số học sinh đó đã trưởng thành, đang công tác, làm ăn, sinh sống đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, sẽ không còn nhớ con đò chòng chành của ông mỗi mùa lũ về. Nhưng với ông cũng không sao, bởi như ông nói: “Phải giúp các cháu đi học để có cái chữ, mới no cái bụng được”.

Tôi về Ba Tơ những ngày cuối tháng 4 khi bông hoa gạo nở đỏ rực thấp thoáng trên những cánh rừng xanh thẳm. Chiều mưa, nước sông Liên dâng, chiếc cầu bằng những khối bê tông được người dân lát qua lòng sông làm lối đi đã bị nước lũ nhấn chìm. Nhóm học trò khăn quàng đỏ tươi trên vai đang được ông Lơ thong thả chèo đò đưa qua sông.

Em Phạm Tô Linh, học lớp 5 nói với tôi về ông Lơ bằng những xúc cảm thân thương rằng: “Từ năm lớp 1, cứ mỗi mùa lũ về, ông lại chở con qua sông để đến trường. Đã 5 năm ngồi ghe, nhưng con không sợ, bởi ông rất vững tay chèo”. Em Phạm Thị Hoài (lớp 3) thì thỏ thẻ: “Ông Lơ đã giúp con đến trường, con sẽ học giỏi để thành cô giáo”. Có lẽ với ông Lơ, không có sự trả ơn nào vui bằng thấy những lứa học sinh ngồi trên con đò hàng ngày do ông chèo đưa qua sông đi học mỗi năm lại lên một lớp, lên trường huyện, tỉnh rồi học cao hơn nữa để về giúp ích cho đồng bào Hre no cái bụng, biết cái chữ, đuổi được bệnh tật ra khỏi buôn làng.

“Ông Lơ chèo đò tự nguyện, không công đấy. Để khuyến khích ông giúp đỡ bà con và các cháu học sinh, chúng tôi hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/năm để ông sửa chữa ghe mà thôi. Lo lỡ ông Lơ có mệnh hệ gì thì không biết lấy ai thay thế. Vì bà con chỉ tín nhiệm mình ổng”, ông Phan Trung Tân, Chủ tịch UBND xã Ba Cung cho biết. Chẳng lẽ người dân cứ phải qua sông bằng đò?

Ông Lê Hàn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, trăn trở: “Chúng tôi biết những hiểm họa khôn lường mỗi mùa lũ tràn về qua sông Liên và nhu cầu bức thiết đi lại, giao lưu kinh tế của người dân. Huyện đã lập dự án làm cầu nối từ thị trấn Ba Tơ vào 2 thôn Con Cua và Đồng Dâu từ giữa năm 2010, vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng đã trình UBND tỉnh nhưng vẫn chưa được duyệt. Không có cầu, người dân vẫn cứ phải… đi đò thôi, làm gì có con đường nào khác?”.

Cầu rõ ràng phải chờ rồi. Còn với ông Lơ, tuổi thơ được tưới mát bởi dòng sông Liên trong những mùa hè rực nắng. Giờ đây ông đã ở tuổi 69. Cũng ngần ấy mùa lũ - 3 con đò (hư hỏng mất 2) đã cùng ông đi qua những tháng ngày thăng trầm như dòng Liên cuộn chảy. Một mùa lũ mới lại sắp về. Ông ngồi ven sông, ánh mắt bình thản như chuẩn bị bước vào “trận đánh” mới, như ngày ông còn là du kích trên mảnh đất Ba Tơ anh hùng.

Thượng tá Võ Văn Dương - Trưởng Công an huyện Ba Tơ, người trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ 4 nạn nhân bị kẹt giữa dòng lũ tháng 10-2010, cho biết: Sau khi nhận được tin báo của người dân, huyện đã giao cho công an trực tiếp tiếp cận và ứng cứu. Khoảng 20 chiến sĩ được huy động dùng cano, mặc áo phao, thả dây buộc vào người bơi ra cứu. Nhưng do nước chảy quá xiết, 4 chiến sĩ bị nước lũ dìm khiến lực lượng trên bờ phải thả dây trôi theo lũ để bảo toàn tính mạng. Trong khi mọi phương án cứu hộ đưa ra gần như bế tắc, bất lực thì ông Lơ xuất hiện. Nhờ có ông, 4 người mới được cứu sống. Sau lần đó, ông Lơ đã được khen thưởng về tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao tặng năm 2010.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục