Trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” khởi nguồn của phong trào “Khỏe vì nước”, nền tảng phát triển của thể thao Việt Nam.
Bác Hồ viết “Ngày ngày tập luyện thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới...”, tức là “Dân cường thì Nước thịnh”. Việc tập luyện và chăm lo sức khỏe không chỉ được thực hiện khi cuộc sống đã no đủ mà ngược lại, phải khỏe trước thì mới có điều kiện phát triển cuộc sống.
Lời dạy của Bác vẫn nguyên vẹn giá trị đến ngày nay, nhưng dường như ngành thể thao Việt Nam vẫn chưa thật sự đi đến cùng trong quá trình đầu tư cho thể thao đỉnh cao. Ví dụ như thành công của kình ngư Ánh Viên hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào để xây dựng thành một biểu tượng nhằm khuyến khích việc tham gia tập luyện bơi lội nói riêng và thể thao nói chung trong cộng đồng. Các kế hoạch đầu tư cho vận động viên hiện cũng chưa tính toán một cách khoa học rằng, 1 đồng bỏ ra cho thể thao thì sẽ giảm bao nhiêu tiền cho y tế, dinh dưỡng hoặc các gánh nặng xã hội. Số lượng người tham gia tập luyện thể thao tỷ lệ như thế nào với tội phạm, người nghiện hút, bệnh tật. Diện tích đất cho thể thao tương ứng ra sao, không gian sinh hoạt cộng đồng và khuyến khích được bao nhiêu phần trăm dân cư tập luyện thể dục hàng ngày.
Ngay như đề án cải thiện chiều cao của người Việt do chính các nhà khoa học thể thao biên soạn đến nay chủ yếu cũng chỉ mới tiến hành các biện pháp dinh dưỡng thông qua ăn uống, chưa thấy hoạt động của ngành thể thao, nhất là trong môi trường học đường. Ở mảng đỉnh cao, dù đã có những thành tích mang đẳng cấp thế giới như trường hợp của Ánh Viên, Lý Hoàng Nam, Phan Thị Hà Thanh hay Nguyễn Thị Huyền nhưng nếu quan sát kỹ, số lượng khá ít ỏi, tính kế thừa vẫn còn yếu. Ví dụ như bơi lội “được” Ánh Viên thì “mất” Quý Phước, chủ yếu là do phương pháp đầu tư thiếu thống nhất.
Trường hợp ở môn bóng đá mới đáng tiếc. Được quan tâm nhiều nhất, có tính phổ cập và dễ dàng tập luyện nhất, nhưng hiện chỉ có 40% các địa phương là có đội bóng thi đấu ở các giải từ bán chuyên nghiệp trở lên. Các địa phương khi thu hút đầu tư cho bóng đá, chủ yếu là dùng “miếng bánh” cơ chế, đất đai để thuyết phục thay vì tìm những nhà đầu tư thật sự đam mê hoặc liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Điều này dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp tham gia làm bóng đá ngày càng ít, ngân sách địa phương hạn chế nên trước sau cũng phải xóa sổ các CLB chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất và mất đi nguồn động lực để các em nhỏ đến với thể thao. Với bóng đá mà còn như vậy, chuyện sa sút thể thao đỉnh cao lẫn phong trào ở nhiều môn khác cũng không có gì bất ngờ, kể cả những môn ít đầu tư, dễ tiếp cận với người dân như bóng chuyền, bóng bàn, bơi lội…
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, định hướng, Chính phủ cũng đã phê duyệt các chiến lược đường dài và dành ngân sách đầu tư, tuy nhiên hạn chế về năng lực triển khai khiến thể thao Việt Nam luôn gặp khó khăn, chậm trễ trong quá trình bơi ra biển lớn. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động tập luyện thể thao quần chúng thông qua số lượng người tập chuyên nghiệp và diện tích đất cho thể thao bị thu hẹp. Yêu cầu lớn nhất hiện nay đó là sự thay đổi về tư duy trong quản lý thể thao theo quan điểm “Dân cường thì Nước thịnh”, đỉnh cao phát triển thì phong trào sẽ nhân rộng. Phải có kế hoạch cụ thể để tăng cơ chế, thu hút nguồn lực xã hội tham gia và đặc biệt là tránh sự chồng chéo trong quản lý giữa phát triển phong trào và đầu tư chuyên nghiệp.
VIỆT QUANG