Vì lợi ích của nông dân

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số sinh sống ở vùng nông thôn và tham gia lĩnh vực nông nghiệp cao hàng đầu thế giới. Thế nhưng phần lớn nông dân ở nước ta đến nay vẫn phải chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số sinh sống ở vùng nông thôn và tham gia lĩnh vực nông nghiệp cao hàng đầu thế giới. Thế nhưng phần lớn nông dân ở nước ta đến nay vẫn phải chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Vì thế, cuộc sống của nhiều người nông dân vốn hàng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn còn không ít khó khăn. Trong chuỗi giá trị của hạt gạo xuất khẩu, mặc dù vai trò của người nông dân là trọng yếu nhưng lợi ích của họ lại là… thứ yếu. Nghịch lý này đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua và đến nay vẫn còn là “thực tế đau lòng” nhưng chưa có cách giải quyết khả thi nào.

Trong thông điệp đầu năm, một trong những vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực tế cho thấy, cấu trúc của ngành nông nghiệp hiện nay có nhiều bất cập, cần phải thay đổi. Song song đó, cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Trong nền nông nghiệp mới đó, người nông dân không chỉ biết ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm mà còn biết thay đổi phương thức giao dịch, mua bán các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, chuyển sang các phương thức kinh doanh, mua bán tiên tiến và hiệu quả hơn.

Cách nay hơn 10 năm, có dịp công tác tại Nhật Bản, chúng tôi được các đồng nghiệp người Nhật đưa đi thực tế ở một số vùng nông thôn cách Tokyo vài trăm kilômét. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là khi vừa rời khỏi nhà ga xe lửa đã thấy bác nông dân người Nhật chờ sẵn với chiếc ô tô láng cóng. Sau một hồi lái xe trên các tuyến đường phủ nhựa sạch sẽ, tinh tươm, bác nông dân đưa chúng tôi đi qua một chiếc cổng lớn và giới thiệu đây chính là “ruộng nhà tôi!”. Thật đáng ngạc nhiên, với gần 20ha ruộng lúa đang chín tới, vàng ươm nhưng vợ chồng ông chỉ cần thu hoạch chưa đến 1 tuần. Đó là nhờ tất cả đều được cơ giới hóa ở mức độ công nghệ rất cao, từ khâu gặt lúa, sấy lúa, chế biến thành gạo…Đã thế, người nông dân này còn lập trang web để kết nối với các trung tâm thu mua lúa gạo, quảng bá rộng rãi nên sản phẩm làm ra không chỉ bán nhanh mà còn được giá. Nhờ cách làm này, nhiều nông dân Nhật Bản giảm được nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, tiết kiệm nhân công, chi phí và thu được lợi nhuận cao hơn hẳn người nông dân ở nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Trong “tam nông”: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, người nông dân phải là chủ thể. Nông dân không chỉ là lực lượng chủ đạo trong sản xuất mà còn là đối tượng được thụ hưởng xứng đáng với những thành quả lao động của chính mình. Để làm được điều này không phải là điều đơn giản, có thể hoàn thành một sớm một chiều nhưng nếu không thực hiện kiên quyết và triệt để, trong nhiều năm tới, hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ vẫn phải chịu cảnh một nắng hai sương, làm lụng vất vả nhưng hoa lợi thu được không tương xứng với công sức bỏ ra.

So với cách làm nông nghiệp truyền thống, hiện nay tại nhiều nơi ở nước ta, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các cánh đồng mẫu lớn ra đời và gặt hái thành công bước đầu không chỉ là niềm cảm hứng cho những nhà quản lý, nhà khoa học nông nghiệp mà ngay cả với người nông dân vốn bao đời bị bó buộc trong các bờ vùng, bờ thửa của một nền nông nghiệp nhỏ bé, manh mún và lạc hậu. Không thể có một nền nông nghiệp lớn mạnh, hiện đại với những cánh đồng nhỏ bé bị chia cắt bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bờ vùng bờ thửa.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp sắp tới, nhà nước cần nhanh chóng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần rà soát, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài; chấm dứt tình trạng độc quyền; tạo “sân chơi” bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh ngay trong cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong những năm tới, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị các bước cơ bản để tiến tới xây dựng thị trường mua bán nông sản tương lai, đấu giá nông sản… như một số nước phát triển đã thực hiện nhằm loại bỏ tình trạng người nông dân thường xuyên bị ép giá. Ngoài ra, cần xây dựng Quỹ bảo hiểm giá nông sản để bảo vệ người nông dân trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh vai trò của nhà nước, bản thân người nông dân cũng phải tự làm mới mình, thích ứng với sự thay đổi để phát triển. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như mua bán, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong vấn đề này, vai trò của các hội nông dân, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp, đội ngũ kỹ sư, khuyến nông… là hết sức quan trọng.

Trong những năm khủng hoảng kinh tế khốc liệt vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp đã khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế toàn cầu. Không có nhiều nước trên thế giới làm giàu nhờ nông nghiệp, nhưng bất cứ quốc gia nào cũng đều xem nông nghiệp là yếu tố cơ bản để làm nên sự thịnh vượng dài lâu. Chính yếu tố nền tảng này của nông nghiệp khiến trong mấy năm gần đây, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược phát triển, cụ thể là quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.

Với nước ta, tái cấu trúc nền nông nghiệp trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế là điều không thể không làm. Nhưng để quá trình tái cấu trúc thành công, ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị, điều đặc biệt quan trọng là phải luôn vì lợi ích của nông dân!

ĐÌNH TUÂN

Tin cùng chuyên mục