Vì một kỳ thi an toàn

Gần 1 triệu thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT  trong bối cảnh dịch Covid-19 bủa vây ở nhiều tỉnh thành. Năm nay, để triển khai kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng, ngay từ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; xây dựng và công bố đề thi tham khảo làm cơ sở việc ôn tập của học sinh, giáo viên. Cùng với đó, công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra thi được thực hiện theo từng giai đoạn chặt chẽ, cụ thể…

Khó khăn lớn nhất năm nay vẫn là việc phải làm sao vừa ứng phó được với dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ giáo viên, vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. Các phương án, kịch bản tổ chức kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT xây dựng từ rất sớm và điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch. 

Năm nay, vai trò chủ động của các địa phương đã được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương có dịch rất phức tạp như TPHCM cũng đã thể hiện quyết tâm rất cao, chuẩn bị kỹ để tổ chức kỳ thi thành công. Thí sinh của TPHCM được xét nghiệm Covid-19 để bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi, thể hiện qua việc bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm tổ chức thi.

Nhiều địa phương có các hình thức hỗ trợ đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại”. Điều này đã giúp học sinh, phụ huynh yên tâm hơn khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Công tác chuẩn bị chủ động, tích cực của các địa phương sẽ là một trong những yếu tố quyết định cho thành công của kỳ thi. Tuy nhiên, thi cử là việc không thể chủ quan, đặc biệt kỳ thi lại được tổ chức trong hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì càng không thể lơ là, mất cảnh giác. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nỗ lực chung. Vì vậy, thời gian trước và trong kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng như các địa phương cần tiếp tục nhắc nhở thí sinh, người tham gia tổ chức thi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn phòng dịch để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và ban tổ chức kỳ thi. Mặt khác, phải luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh.

Kỳ thi liên quan đến tương lai của gần 1 triệu bạn trẻ, do đó, bao năm qua, thi THPT luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, của cả bộ máy, chứ không chỉ trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Trong bối cảnh dịch vẫn rất phức tạp như hiện nay, hơn bao giờ hết, các cấp ngành cần tập trung cao độ, ưu tiên mọi sự quan tâm để tổ chức kỳ thi thật sự an toàn, nghiêm túc và nhân văn nhất.

Bên cạnh việc tổ chức kỳ thi an toàn, cũng phải bảo đảm trường thi nghiêm túc. Khi cả hệ thống phối hợp nhịp nhàng để vận hành các hoạt động một cách bình thường trong một hoàn cảnh bất thường, đó cũng là cách để chúng ta giáo dục thế hệ trẻ vượt khó khăn, đi tới đích cuối cùng một cách ý nghĩa nhất.

Tin cùng chuyên mục