Chung tay cải thiện ô nhiễm môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cùng với việc gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế, TPHCM không tránh khỏi các vấn đề về môi trường, đặc biệt là vấn nạn rác thải. Một bộ phận người dân vẫn duy trì những thói quen gây ô nhiễm môi trường như đốt rác, vứt rác ra đường phố, kênh rạch, miệng cống, những khu đất trống và những nơi công cộng. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch. Tình trạng ngập lụt khi triều cường hay mưa lớn cũng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Không dừng lại đó, kênh rạch ô nhiễm còn làm hủy hoại hệ sinh thái động thực vật, phát sinh mùi hôi gây khó chịu, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi cũng như các mầm bệnh phát triển và lây lan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sinh hoạt của người dân thành phố. Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyết, sống ở rạch Lăng (phường 12, quận Bình Thạnh), cho biết khu vực bà sống nhiều năm nay luôn bị ô nhiễm nghiêm trọng, rác thải, nước thải sinh hoạt đều đổ ra rạch Lăng. Trước đó, rạch Lăng đã bị bức tử, lấn chiếm, không còn chức năng lưu thông nước. Tình trạng trên đã được cải thiện khi thành phố vừa thực hiện ra quân cải tạo kênh rạch, môi trường sống của người dân từ đây cũng đã được cải thiện tốt hơn.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, trong nỗ lực chung và dài hạn, chính quyền, nhân dân thành phố luôn ý thức và chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với nguyên nhân khách quan từ hệ quả của biến đổi khí hậu, nguyên nhân chủ quan là diễn biến phức tạp của môi trường TPHCM, hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường thành phố chưa đạt được như mong muốn. Chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm, nước thải, không khí, tiếng ồn, đặc biệt chất thải rắn, đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Triển khai nhiều đề án, dự án
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố đã triển khai nhiều đề án, dự án cải thiện môi trường nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm. Đơn cử như tăng cường diện tích mảng xanh đô thị, đưa vào sử dụng các công trình cải thiện môi trường trọng điểm, hình thành các khu xử lý chất thải y tế, sinh hoạt, công nghiệp nguy hại... Những giải pháp công trình và phi công trình này đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường đô thị của TPHCM. Tuy nhiên, tình trạng tái ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, công trường xây dựng, trên đường phố và tại các công trình công cộng vẫn còn thường xuyên xảy ra. Điều này xuất phát từ ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận dân cư còn kém. Hành vi xả rác không đúng quy định vẫn còn là vấn nạn của xã hội. Đồng thời, công tác phối hợp tổ chức thực hiện giữa các sở, ngành, quận, huyện chưa đồng bộ, kịp thời.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tình trạng trên nhất thiết phải được khắc phục. Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các cấp đảng ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực quản lý trong công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai rà soát các điểm hẹn, trạm trung chuyển rác và có giải pháp điều chuyển kết hợp cải tạo trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại các địa phương. Đến tháng 9-2019 phải hoàn tất công tác chuyển đổi các xe thu gom rác chưa đạt chuẩn theo kế hoạch của UBND TPHCM đã ban hành; vận động xã hội hóa để tăng cường mạng lưới các thùng rác công cộng, tạo điều kiện cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành giáo dục đưa nội dung hướng dẫn học sinh thực hiện phân loại rác tại nguồn vào chương trình học; xây dựng thói quen bỏ rác đúng nơi quy định và hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng cho học sinh. UBND các quận, huyện triển khai việc rà soát, tổ chức sắp xếp đội ngũ thu gom rác dân lập. Có thông tin đầy đủ đến hộ gia đình, chủ nguồn thải về tần suất thu gom, thời gian thu gom. Vận động các đơn vị thu gom rác dân lập chuyển đổi lên doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; quan tâm tới điều kiện làm việc của người lao động tại các đường dây rác dân lập. Chỉ đạo các phường xã, thị trấn xây dựng các giải pháp cụ thể để kịp thời giải quyết các điểm đen về rác, không để hình thành các bãi rác lưu cữu, gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị thu gom rác không đảm bảo thời gian, tần suất thu gom.