Ngày 5-4, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức buổi tọa đàm về sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên báo chí. Đây là chương trình mở đầu cho Tuần lễ Sở hữu trí tuệ, chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, 26-4-2013.
Tại cuộc tọa đàm, sau phần giới thiệu tóm lược về hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian gần đây, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã trả lời các thắc mắc của phóng viên xung quanh 2 nội dung chính là hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động hỗ trợ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng được xã hội quan tâm. Việc phổ biến tuyên truyền phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đẩy mạnh, nhằm đưa hoạt động sở hữu trí tuệ gần gũi hơn với xã hội.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2011, 2012 diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm. Phần lớn hàng giả là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán với giá rẻ. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên và rất khó kiểm soát.
Đặc biệt, một số vụ hàng giả gần đây cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả nhất là hàng giả mạo xuất xứ thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Cục Sở hữu trí tuệ khuyến cáo, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông nhiều trên thị trường gây nguy hại lớn đối với tài sản và sức khỏe người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, rượu, các loại mỹ phẩm, phân bón và hàng điện tử, đồng hồ, kính mắt, túi xách điện thoại di động, quần áo, giày dép...
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi giải quyết khiếu nại Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng đa dạng, phong phú nhiều chủng loại một số hàng giả, hàng nhái được sản xuất từ Trung Quốc, nhập khẩu và nhập lậu vào nước ta tiêu thụ. Hầu hết chủng loại sản phẩm hàng hóa nào cũng có hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ các sản phẩm tiêu dùng đơn giản rẻ tiền như bao diêm, cây bút... đến thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ gia dụng cho đến hàng điện lanh, điện tử được sản xuất bằng công nghệ cao như xe máy, đồ điện tử, điện lạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 6.112 vụ, trị giá hơn 18,997 tỷ đồng.
Từ việc tiếp nhận và xử lý số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chấp nhận và cấp bằng bảo hộ cho 25.962 đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm 1.025 bằng độc quyền sáng chế, 87 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 1.121 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 20.042 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 5 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, 14 giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và chấp nhận bảo hộ 3.577 nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam.
Theo ông Tạ Quang Minh, trong năm 2013 này, để đẩy mạnh công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong các văn bản pháp luật, nhất là các thông tư, quy chế, để đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn nộp đơn điện tử. Nhằm thúc đẩy việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cục sẽ sớm thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để tư vấn triển khai một cách bài bản và rộng khắp, đồng thời tăng cường hiệu quả của dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ...
| |
TRẦN LƯU