Vì sao con gái Saddam Hussein bị truy nã?

Vì sao con gái Saddam Hussein bị truy nã?

Một số bị giết, một số bị trục xuất, còn một vài người lại phải lẩn trốn chui lủi – đó là số phận hiện nay của các cựu thành viên trong gia đình Saddam Hussein.  Cuộc sống thời hoàng kim của các thành viên trong gia đình này đã kết thúc kể từ khi quân Mỹ tràn vào Iraq. Giờ đây, mũi nhọn của chính quyền mới tại Baghdad lại đang nhằm vào cô con gái Raghad Hussein ở nước ngoài.

“Saddam nhỏ”

Vì sao con gái Saddam Hussein bị truy nã? ảnh 1
Gia đình Saddam Hussein thời hoàng kim (Raghad là người đứng bế con)

Nếu nhìn vào tấm ảnh chụp “hoàng gia” của Saddam Hussein trước đây, không ai có thể hình dung được rằng, người phụ nữ trẻ đang bế con trên tay giờ đây lại là người đang có tham vọng trở thành lá cờ đầu giữa các thế lực chính trị từng ủng hộ cho cha mình.

Nhưng hiện giờ, cô con gái cả Raghad của Saddam (có chồng đã bị chính cha mình ra lệnh sát hại) lại đang bị chính quyền mới tại Baghdad truy nã vì bị nghi ngờ cung cấp tài chính và tổ chức phong trào nổi loạn sau khi liên quân Anh - Mỹ tràn vào Iraq 4 năm trước đây.
 
Interpol theo yêu cầu của chính quyền Iraq đã ban hành lệnh truy nã chính thức, theo đó cô con gái 38 tuổi này của Saddam bị buộc tội “phá hoại cuộc sống bình yên, xúi giục chống đối chính quyền và cả khủng bố”. Nếu như Raghad bị dẫn độ từ Jordan và bị kết tội theo đúng những quy kết trên, cô rất có khả năng phải nhận mức án chung thân, hay thậm chí là tử hình.

Chính phủ tại Baghdad từ trước đã có không ít lần đưa ra những buộc tội tương tự nhằm vào Raghad Hussein, nhưng trát bắt giữ lần này cùng với những thủ tục đề nghị chính thức với các quan chức cao cấp của Jordan đã cho thấy một thực tế: Iraq vẫn đang chịu ảnh hưởng từ “bóng ma” của nhà cựu độc tài Saddam.

Những cựu thành viên đảng Baath trung thành với ông ta vẫn đang đóng những vai trò quan trọng đối với làn sóng bạo lực đang gia tăng tại quốc gia này.
 
Nhưng theo các nhà quan sát, việc công bố lệnh bắt giữ Raghad chỉ chủ yếu cho thấy sự bất lực của chính phủ Nouri al-Maliki trong khả năng ngăn chặn bạo lực, chứ không chứng tỏ được vai trò đáng kể của cô ta trong việc hỗ trợ các phe nhóm đối lập. Trước đó, yêu cầu dẫn độ Raghad của hai chính phủ tiền nhiệm tại Baghdad đã bị Jordan kiên quyết chối từ.

Các quan chức Jordan khẳng định, Raghad đang có mặt tại quốc gia này với tư cách là khách của nhà vua Abdullah và hoàng gia Hashemite, nên không thể trao cô cho chế độ thù địch do người Shiite đang điều hành tại Baghdad.
 
Khi quân Mỹ tràn vào Iraq năm 2003, Raghad đã chạy khỏi Baghdad và sang định cư tại Amman. Tại đây, cô thỉnh thoảng vẫn đi thăm các bệnh viện và xuất hiện trước các phóng viên ảnh. Sau khi quân Mỹ hạ sát hai anh em Uday và Qusay trong vụ tấn công một ngôi nhà tại Mosul (có nguồn tin một kẻ phản bội đã khai về họ với người Mỹ để nhận giải thưởng 25 triệu USD), Raghad trên danh nghĩa đã trở thành người kế thừa trong gia đình Hussein và được gọi là “Little Saddam” (Saddam nhỏ).
 
Dây thòng lọng đang xiết quanh Raghad

Các quan chức Jordan –những người còn lo ngại sự tổn hại trong quan hệ với Washington còn hơn cả chính quyền Baghdad – đã yêu cầu Raghad không nên hoạt động chính trị, không tiếp xúc với báo chí hay đưa ra những tuyên bố công khai nếu muốn sống một cách bình yên tại quốc gia này.

Nhưng cô con gái của Saddam lại có xu hướng muốn lách mình khỏi những rào cản trên. Ban đầu, Raghad hành xử một cách tương đối thận trọng. Nhưng với sự sa lầy của quân Anh - Mỹ và làn sóng bạo lực gia tăng tại Iraq, cô bắt đầu đưa ra nhiều tuyên bố công kích.

Vụ hành quyết vội vã Saddam của chính quyền Baghdad (bị rất nhiều người phê phán) chỉ có tác dụng củng cố thêm uy tín của Raghad, tạo ra một làn sóng ủng hộ mới từ những người trung thành với chế độ cũ, cũng như sự cảm thông của cả thế giới Arab.
 
Tại căn nhà của mình trong khu phố sang trọng Abdoun (Amman), Raghad thường xuyên có các cuộc tiếp xúc với báo chí và các thành viên phe đối lập ở Iraq. Còn để bào chữa cho cha mình hồi phải ra trước tòa, Raghad đã tham dự một loạt các cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí, khiến mọi người có cảm tưởng như cô đã thực sự trở thành một con người của công luận.

Cô con gái Saddam còn tham gia trong những cảnh quay của bộ phim “Saddam’s Tribe” nói về gia đình mình của kênh truyền hình Channel 4. Monica Garnsey, một người trong đoàn làm phim từng có dịp gần gũi nhiều với Raghad, nhớ lại: Mọi người chỉ muốn nghe cô ta nói có một điều “Cha tôi là một người xấu xa”. Nhưng cô ấy không bao giờ chấp nhận nói ra điều đó.
 
Một thương gia Iraq tại Amman nhận xét rằng, đây là thời điểm mà Raghad cần thận trọng hơn với quyết định đi theo con đường của cha mình. Đơn giản là nếu cô “quậy quá”, chính quyền Jordan có thể nghĩ lại và dẫn độ Raghad về Iraq. Đó cũng là một lời khuyên hợp lý nếu xét về nhiều mặt.

Quả thực cái chết đã “viếng thăm” gần hết các thành viên của đại gia đình Saddam Hussein, một nhân vật cũng từng bước lên đỉnh cao quyền lực bằng con đường đầy máu. Người con trai duy nhất còn sống của Saddam là Ali - hiện đang sống với bà mẹ Samira Shahbandar (là vợ hai của nhà độc tài) tại Liban - đã tỏ rõ thái độ không quan tâm đến việc tranh giành quyền lực tại Iraq.

Tương tự như Uday và Qusay, người anh em cùng cha khác mẹ Barzan của Saddam cũng đã bị tử hình, người anh em họ Ali Hussein al Majid (còn gọi là Ali hóa học) cũng đã phải ra tòa và nhận bản án tử hình. Giờ đây, dây thòng lọng của chính quyền Baghdad lại đang tìm mọi cách xiết chặt quanh Raghad.

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục