
Thị trường ngoài nước Mỹ màu mỡ nhất

Một trong những nguyên nhân góp phần làm nên thành công đó của điện ảnh Nhật nằm ở khâu phân phối phim và cách khai thác mạng lưới các rạp chiếu bóng. Ở Nhật có 3 hãng phân phối phim nội địa lớn nhất nước, chưa kể một số bộ phim Nhật khác được phân phối bởi các công ty nước ngoài. Mặc dù các “siêu phẩm” Hollywood vẫn thu được không ít thành công - 3 bộ phim đứng đầu quầy vé năm 2006 đều là phim Mỹ: Harry Potter 4, Cướp biển Caribê 2 và Da Vinci Code - nhưng theo như lời một nhà phân tích, “những bộ phim “ầm ĩ” với các cảnh rượt xe hay cảnh tàn phá hành tinh đã không còn mấy ăn khách nữa”.
Thành công nhất trong số phim “nội” năm qua là bộ phim hoạt hình Gedo Senki của Goro Miyazaki, con trai của đạo diễn bậc thầy Hayao Miyazaki. Hai bộ phim khác đánh dấu thành công của điện ảnh Nhật Bản 2006 là Yamato, the last battle (Yamato, trận chiến cuối cùng - có kinh phí lớn nhất lịch sử điện ảnh Nhật Bản) và Always Sanchome no Yuhi (Sunset on the Third Street - Hoàng hôn ở phố thứ ba) đều phản ánh lịch sử cận đại của nước Nhật - một về đề tài chiến tranh, một về cuộc sống thường nhật khó khăn của những người buôn bán nhỏ ở thủ đô Tokyo những năm sau chiến tranh. Chúng thật sự lay động tinh thần yêu nước của khán giả Nhật, giúp tìm về quá khứ để tôn vinh những giá trị về đạo đức và tinh thần mà con người hiện đại dường như đang sao lãng…
“Bàn đạp” tấn công châu Á
Mỗi tập sách Harry Potter từ 1 đến 6 đều được phát hành với số lượng hơn 3 triệu bản ở Nhật. Năm 2006, bộ phim Harry Potter và chiếc cốc lửa đứng đầu quầy vé nước này với doanh thu hơn 11 tỷ yên.
Không phải ngẫu nhiên mà Hollywood chọn Nhật Bản để “tung” ra các “quả bom tấn” của mình. Đây là thị trường điện ảnh “ngoài nước Mỹ” màu mỡ nhất thế giới của Hollywood. Nền văn hóa Nhật Bản có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với các nước láng giềng Đông Á mà còn cả với các nước công nghiệp phát triển phương Tây nói chung, qua xu hướng tiêu thụ, truyền thống ẩm thực, mốt thời trang, truyện tranh manga, đặc biệt là các công nghệ mới… Không những thế, người tiêu thụ Nhật còn có “truyền thống” rất thích các sản phẩm ăn theo của các bộ phim siêu phẩm (trò chơi điện tử, đồ chơi, đĩa DVD, truyện tranh…). Việc “thử nghiệm” một bộ phim tại thị trường Nhật Bản cho phép “dự báo” về khả năng thành công của nó trên các thị trường khác.
Giờ đây, mọi con mắt của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đều đang dõi sang châu Á, với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Trước những đối thủ cạnh tranh tuy còn bé nhỏ nhưng đáng gờm này, Hollywood không còn chỉ có thể chỉ dựa vào khán giả Mỹ không thôi…
Để giành lại vị trí “thượng phong” ở một thị trường chiến lược như Nhật Bản, Hollywood đã không tiếc công sức “ưu ái” fan xi nê Nhật, xây dựng “bàn đạp tấn công” châu Á. Nhờ vậy, ngày 28-6 vừa qua, khán giả Tokyo trở thành những người đầu tiên trên thế giới khám phá Harry Potter và mệnh lệnh phượng hoàng (chính thức công chiếu trên thế giới ngày 11-7), với sự hiện diện của đạo diễn David Yates và nam diễn viên chính Daniel Radcliffe….
NGỌC HÀ (tổng hợp)