“Vì sao… lại thế?” là câu hỏi mà tôi phải nghe ít nhất gần chục lần khi đưa bạn học thời sinh viên của mình đi dạo TPHCM. Chẳng là sau khi tốt nghiệp đại học, bạn tôi đã về quê là một tỉnh ở miền Trung để công tác.
1. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 đoạn từ nút giao với đường Điện Biên Phủ tới giao lộ đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ dài khoảng 2km, mà có tới 3 cách phân luồng khác nhau. Đoạn từ nút giao với đường Điên Biên Phủ tới nút giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai cho tất cả các phương tiện giao thông lưu thông 2 chiều. Đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai tới nút giao với đường Lê Duẩn chỉ cho lưu thông một chiều đối với tất cả các loại xe theo hướng từ đường Lê Duẩn ra đường Nguyễn Thị Minh Khai. Và đoạn còn lại từ nút giao với đường Lê Duẩn tới nút giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh cho lưu thông 2 chiều đối với xe gắn máy 2 bánh và một chiều đối với ô tô theo hướng từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đi tới đường Lê Duẩn. “Tôi chẳng hiểu sao lại phân luồng giao thông như vậy?”, bạn tôi nói. Trước đó, bạn tôi đã “một mình” mượn xe gắn máy chạy đi tìm nhà một người thân trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bạn bắt đầu từ đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạn giao với đường Điện Biên Phủ và xuôi dần về phía đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến nút giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai thấy biển báo hiệu đường một chiều, bạn tôi buộc phải rẽ phải vào đường Nguyễn Thị Minh Khai ngược lên phía đường Đinh Tiên Hoàng và rẽ trái vào đường Đinh Tiên Hoàng. Tới ngã tư đường Đinh Tiên Hoàng với đường Lê Duẩn, bạn tôi đã định rẽ trái, xuôi theo đường Lê Duẩn để quay trở lại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng nghĩ “không ai hạn chế lưu thông, chỉ cho các phương tiện giao thông đi một chiều trong một đoạn ngắn (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai tới đường Lê Duẩn)” nên bạn tôi tiếp tục đi qua đường Tôn Đức Thắng, rẽ vào đường Nguyễn Hữu Cảnh với hy vọng từ đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ rẽ vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm nhà người thân trong khu vực này. Đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những tuyến đường huyết mạnh của thành phố, xe tải lưu thông rất nhiều nên các phương tiện giao thông không được tùy tiện rẽ trái. Bạn tôi đã phải đi thêm một đoạn dài trên đường Nguyễn Hữu Cảnh mới gặp nút giao thông cho phép rẽ trái. Chuyển qua hướng lưu thông từ phía cầu Sài Gòn về phía trung tâm thành phố, bạn tôi mới gặp ngã ba Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Bỉnh Khiêm để được… rẽ vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Điều bạn tôi bức xúc không phải là đoạn đường phải đi vòng quá dài mà khi vào tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, xuôi qua ngã ba với đường Lê Duẩn, bạn tôi phát hiện đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ đoạn từ giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai tới giao với đường Lê Duẩn mới cấm cả xe gắn máy 2 bánh không cho lưu thông hai chiều. Nếu từ đường Đinh Tiên Hoàng rẽ ngay vào đường Lê Duẩn để tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bạn tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian. “Tôi đã vòng đi vòng lại nhiều lần trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạn từ nút giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Duẩn để xem thêm có công trình nào tập trung đông người, khiến ngành chức năng TPHCM phải khoanh một đoạn ngắn, chỉ cho lưu thông 1 chiều đối với tất cả các loại xe. Có một trường học ở đấy nhưng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạn từ nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Duẩn tới Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh cũng có trường học…, tại sao đoạn này xe gắn máy 2 bánh được lưu thông 2 chiều? Chưa kể, đoạn cho lưu thông một chiều đối với tất cả các phương tiện giao thông chỉ dài khoảng vài trăm mét…”, bạn tôi nói.
2. Một đoạn nối đường Hoàng Minh Giám (gần Công viên Gia Định) với đường Nguyễn Kiệm mà ô tô, thậm chí ô tô tải lưu thông thường xuyên song không hiểu sao lại được gọi là… hẻm của đường Nguyễn Kiệm. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều đánh số có “sẹt” với tên đường là Nguyễn Kiệm… Trong khi đó, chỉ rộng khoảng 2m, thậm chí có nơi rộng chỉ 1m với mặt đường gồ ghề, xuống cấp…, hoàn toàn không có vỉa hè song “dải đất” dọc tuyến đường xe lửa ngay khu vực quận Phú Nhuận lại được đặt với cái tên rất “hoành tráng”: đường Chiến Thắng. “Không nhất quán trong cách phân loại đường và hẻm, rất dễ làm người đi đường rối, nhất là đối với những người từ phương xa tới. Vì sao… lại thế?”, bạn tôi nói.
TÂM ĐỨC