Vì tương lai của học trò vùng cao

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức đang ở giai đoạn tổng kết hồ sơ và chuẩn bị lễ tôn vinh vào ngày 12/11 sắp tới. Trong nhiều gương giáo viên tiêu biểu được đề cử tham gia chương trình, chúng tôi đã đến thăm ba giáo viên bản xa ở huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Vì tương lai của học trò vùng cao

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức đang ở giai đoạn tổng kết hồ sơ và chuẩn bị lễ tôn vinh vào ngày 12/11 sắp tới. Trong nhiều gương giáo viên tiêu biểu được đề cử tham gia chương trình, chúng tôi đã đến thăm ba giáo viên bản xa ở huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).

Có thể nói cô giáo Vàng Thị Ghếnh (SN 1988) ở phân hiệu Sẻ Mãn Thẩn thuộc Trường Mầm non Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) là gương mặt giáo viên cắm bản điển hình trong việc vượt khó, dạy giỏi và rất tâm huyết trong việc truyền con chữ cho trẻ em vùng cao. Hỏi động lực lớn nhất của cô về nghề giáo, cô đáp: “Có lẽ từ những ánh mắt hồn nhiên sáng lấp lánh của trẻ nhỏ. Nếu không được truyền cái chữ, sẽ nhanh thôi, 12-13 tuổi các em sẽ lấy chồng sinh con và nhiều thế hệ sau cũng vậy, mù chữ và nghèo đói”. Hỏi cô Ghếnh đâu là kỷ niệm sâu sắc nhất, cô bảo cũng vẫn là những ánh mắt lấp lánh của các cháu nhỏ 5-6 tuổi hàng ngày phải lội bộ 2-3 cây số đường rừng và dốc núi trơn trợt, bất kể mưa phùn gió bấc hay ngày đông 10 độ C rét mướt để đến được lớp học chữ.

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long (áo trắng) và ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ân cần thăm hỏi cô Ghếnh tại phân hiệu Sẻ Mãn Thẩn thuộc Trường Mầm non Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai).

Nếu đường đến lớp của trẻ em vùng cao hết sức vất vả thì đường đến trường của các giáo viên cắm bản cũng gập ghềnh tương tự, khi tự mình phải vượt qua những lo sợ của chính bản thân mình. Tình nguyện về phân hiệu Sản Chư Ván thuộc trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố ở huyện Bắc Hà (Lào Cai), cô Đàm Thị Thu Thủy (SN 1990) để lại quê hương phố thị phía sau.Vượt qua 20km đường đèo cao núi dốc, một bên là ta luy, một bên là vực sâu thăm thẳm, trời mưa thì phải mắc xích vào lốp xe để đi. Bố mẹ cô đã khóc ròng khi nhìn thấy nơi công tác của con gái. Nhưng cô Thủy yêu trẻ, yêu nghề: “Các em có thể chịu đói, chịu rét để đi đến trường học cái chữ thì tại sao tôi lại ích kỷ, lại sợ khó khăn?”. Năm năm làm cô nuôi dạy trẻ, cô Thủy có nhiều năm là chiến sĩ thi đua và cũng như cô Ghếnh, cô Thủy là giáo viên dạy giỏi của tỉnh Lào Cai.

Cô Nguyễn Thị Hạ (SN 1966) ở điểm trường Suối Bòng, thuộc Trường Tiểu học Xuân Đài (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), gốc người Hà Tây (nay là Hà Nội). Khi được mời về dự lễ vinh danh sẽ tổ chức ở thủ đô, cô rất vui. Gần hai mươi năm yêu thương, gắn bó với trẻ em người Mường, người Dao ở huyện vùng núi nghèo này, cô gắn bó đến mức không muốn rời xa nơi này. Lớp học của cô Hạ có ba tấm bảng lớn để cô dạy nhiều môn từ lớp 1 đến lớp 5. Cô bảo, học sinh của cô hầu hết ngoan ngoãn và chăm học.

Chuyến đi còn rất nhiều điều đọng lại trong lòng chúng tôi về gia cảnh vất vả và nghị lực phi thường vượt khó của các thầy cô giáo. Chúng tôi tự hỏi, nếu không có những cô Ghếnh, cô Thủy và cô Hạ thì không biết tương lai của thế hệ trẻ vùng cao sẽ như thế nào, hay “con chữ” cho học trò vùng cao cũng mãi chỉ là “mơ ước”?

Để tìm hiểu về chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, vui lòng truy cập thông tin tại website www.chiasecungthayco.com.

QUỐC TRÍ

Tin cùng chuyên mục