Ngày 13-5, Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) đã hoàn tất việc bán đơn vào lớp 1 năm học 2012-2013. So với ngày 12-5, cảnh tượng chen lấn mua đơn không còn quá căng thẳng (đến mức đạp đổ cổng trường) vì nhà trường huy động thêm lực lượng công an bảo vệ. Tuy nhiên sức nóng của việc mua đơn vẫn không giảm.
Bầm giập
Như đã thông tin, buổi bán đơn vào lớp 1 dự kiến tổ chức vào ngày 12-5 nhưng bất thành do số người tập trung quá đông, hỗn loạn nên nhà trường phải dời sang ngày 13-5. Vào lúc 23 giờ ngày 12-5, Ban giám hiệu Trường PTCS Thực nghiệm phát đi thông báo: “Chủ nhật nhà trường sẽ mở cổng từ 6 giờ sáng và bán đơn vào lớp 1 với số lượng đủ theo nhu cầu của phụ huynh, vì vậy nhà trường đề nghị phụ huynh không tập trung tại cổng trường trước thời gian trên. Nếu quý vị phụ huynh không đảm bảo trật tự an ninh, việc bán đơn sẽ không được thực hiện”. Dù có thông báo nhưng vẫn có phụ huynh thức chờ thâu đêm trước cổng trường cho “chắc ăn”.
Do có nhiều phụ huynh ngồi đợi trước cổng trường, 2 giờ sáng ngày 13-5, công an phường sở tại phải dùng dây cách ly trước khu vực cổng trường nhằm đảm bảo trật tự chung. Tuy nhiên, gần 30 phụ huynh vẫn kiên trì chờ đợi. Gần 3 giờ sáng 13-5, đã có khoảng 50 phụ huynh chờ mua đơn. Đến 5 giờ, đã có hàng trăm người chen lấn trước cổng trường, nôn nóng chờ tới giờ phát phiếu để mua đơn. Do đó, công an buộc phải mở hé cổng, cho từng nhóm 4-5 người vào để tránh tình huống mất an toàn. Sau khi phát hết 350 phiếu (chỉ tiêu là 140 học sinh lớp 1), nhà trường đã thu bản sao giấy khai sinh từ những phụ huynh chưa được phát số.
Theo bà Lê Thị Mai Hương, Hiệu phó nhà trường, trường đã chuẩn bị 350 phiếu dựa trên nhu cầu của năm 2011, không ngờ số lượng năm nay lại tăng lên cao như vậy. “Chưa năm nào người xếp hàng đông như năm nay. Năm tới trường sẽ nghiên cứu để không xảy ra những sự việc như thế này”, bà Hương giãi bày.
Như vậy, để tuyển 140 học sinh vào lớp 1, chỉ riêng khâu mua - bán đơn, nhà trường và hàng trăm phụ huynh đã mất trắng 2 đêm, kéo theo sự căng thẳng, vất vả.
Người khen, kẻ chê
Trường PTCS Thực nghiệm vốn được các phụ huynh truyền nhau là có bậc tiểu học lý tưởng nhất ở Hà Nội hiện nay, vì thế họ sẵn sàng chấp nhận vượt qua mọi khổ ải để tìm cơ hội cho con cháu mình.
Chị Nguyễn Thị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Chất lượng giáo dục đào tạo của trường đã được khẳng định hơn 20 năm qua. Chương trình học ở trường này giúp các cháu có điều kiện phát triển đồng đều cả về thể chất và trí tuệ, chứ không nhồi nhét toàn những kiến thức “cao siêu” không phù hợp với trẻ trong độ tuổi ăn, tuổi lớn”.
Còn chị Hoàng Thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị không muốn con mình đi học trường khác vì khi không làm được bài sẽ bị thầy, cô la mắng, không giống như ở Trường Thực nghiệm. “Tôi không thích con tôi phải chịu cảnh giáo dục như vậy. Ở Trường Thực nghiệm này, tôi biết có phương pháp giáo dục rất tốt, trẻ được thể hiện suy nghĩ, sự sáng tạo của riêng mình. Chính vì thế nên hai hôm nay, dù dậy từ 3 giờ sáng để chờ đợi nhưng tôi vẫn chấp nhận”, chị Nga chia sẻ.
Nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng, các bé sau khi vào Trường Thực nghiệm rất thích đi học, đặc biệt là ý thức tự giác rất tốt. Chị Trần Thị Mai (Ba Đình, Hà Nội) còn cho rằng chương trình giáo dục của Trường Thực nghiệm khác so với trường thông thường, nhất là trường đã dạy cho học sinh cách tư duy độc lập sáng tạo, các kỹ năng mềm để tự chủ cuộc sống. Thế nhưng, cũng không ít phụ huynh cho rằng ngoài giá trị cốt lõi đó, thì nếu để “thi thố” với học sinh các trường khác thì học sinh Trường Thực nghiệm lại có phần yếu thế.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, Trường Thực nghiệm là nơi thử nghiệm những chương trình giáo dục, những cái hay, mới của các nhà nghiên cứu giáo dục, phần nào đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên được người dân ưa chuộng. Khá nhiều người thành đạt trên con đường học vấn đã từng học ở trường này, tiêu biểu như GS Ngô Bảo Châu.
Tuy nhiên, nhìn từ vụ việc xảy ra tại Trường PTCS Thực nghiệm trong 2 ngày 12, 13-5 có thể thấy, còn rất nhiều điều mà ngành giáo dục phải chấn chỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Trao đổi với SGGP, GS Văn Như Cương cho rằng, phụ huynh muốn chọn trường tốt cho con là điều tự nhiên. “Khi chất lượng giáo dục giữa các trường còn có sự khác nhau quá xa, việc phụ huynh đổ xô vào những địa chỉ trường tốt nào đó, kể cả việc chấp nhận dầm mưa trắng đêm xếp hàng cũng là điều bình thường”, GS Văn Như Cương nói. Nhưng đây cũng chính là điều kiện để dẫn đến tiêu cực trong việc tuyển sinh, xét tuyển của các trường.
Ông nói thêm: “Cứ mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp lại nóng. Đã tồn tại hiện tượng người dân mất tới cả ngàn USD để giành được một suất học cho con em mình tại trường điểm, trường tốt. Điều đó ai cũng biết nhưng chưa có cách nào giải quyết. Và chuyện mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, người dân phải trắng đêm, chen lấn để mua đơn xin học cho con vẫn cứ diễn ra”.
Vẫn theo GS Văn Như Cương, để hạn chế tình trạng này, cách duy nhất là ngành giáo dục phải xây dựng được nhiều trường học tốt. “Khi đã có hệ thống trường học chất lượng tương đồng thì người dân sẽ đưa con đến học ở trường gần nhà nhất, lúc đó tình trạng chen lấn xin học sẽ không còn”, GS Văn Như Cương nói.
"Ngày xưa, trong thời bao cấp, chúng tôi cũng phải thức đêm từ 2-3 giờ sáng để mua gạo. Nhưng chúng tôi xếp hàng, trật tự, đến lượt ai người đó mua. Còn việc các bậc phụ huynh thức đêm trước cổng trường như vừa qua không phải xếp hàng, mà thực sự là chen lấn, hỗn loạn. Không có văn minh xếp hàng ở đây. Thật buồn khi thói quen xếp hàng, văn minh xếp hàng đã mất, thay vào đó là sự chen lấn hỗn độn, điều đó thật vô lý" GS VĂN NHƯ CƯƠNG |
LÂM NGUYÊN
- Thông tin liên quan: