Việc làm và đời sống

Việc làm và đời sống đang là vấn đề đặt ra đối với một bộ phận khá lớn công nhân và người lao động trong tình hình hiện nay. Khi mà sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp ngừng việc, người lao động buộc phải chuyển dịch từ nhà máy sang công việc tự do - khu vực phi chính thức. Một số cơ sở sản xuất giảm việc, hoạt động cầm chừng, người lao động phải tìm việc làm thêm bên ngoài, cường độ lao động tăng thêm để duy trì cuộc sống. Và cũng có không ít người rơi vào cảnh thất nghiệp, khó tìm việc làm mới, làm thêm.

Thực tế cho thấy những người trên 40 tuổi khó tìm việc làm, khó tái hòa nhập vào thị trường lao động vì gặp khó trong việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề. Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, hiện tại, có tới 41% trong số lao động làm việc ở các khu công nghiệp - khu chế xuất không có tiền gửi về quê vì thu nhập thấp. Mặc dù chính quyền thành phố luôn có những chính sách chăm lo cho người lao động, mặt trận và các đoàn thể luôn có những hoạt động thiết thực và nhiều chủ nhà trọ không tăng giá thuê chỗ ở…

Một số ngành dịch vụ hưởng lương theo sản phẩm, doanh số không đạt, thu nhập cũng không được như trước. Nhiều người đã chấp nhận làm công nhật, không hợp đồng, không bảo hiểm. Cũng đã có hiện tượng hồi hương hoặc ra đường bán hàng hạ giá, bán hàng rong … Có một nghịch lý đáng buồn là nhiều người mất việc, thiếu việc nhưng lại có nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động, các sàn giao dịch thường tuyển được 1 phần 3 nhu cầu.

Nguyên nhân chính là do cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Tình trạng lao động kỹ thuật, tay nghề cao luôn thiếu và người có trình độ đại học, cao đẳng ở một số ngành nghề lại thừa. Cung - cầu đối với thị trường lao động đang lệch pha. TPHCM là nơi có thị trường lao động cạnh tranh, những vấn đề dự báo, đầu tư cho nguồn nhân lực luôn đặt ra nhưng do chưa có sự đồng bộ, nhất quán trong quy hoạch, đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… nên trong thực tế đây vẫn là nơi thu hút cả lao động có đào tạo và chưa đào tạo, cả lao động có trình độ cao và lao động phổ thông.

Việc làm và đời sống người lao động đang đặt ra những vấn đề khá lớn, cần phải có giải pháp cho trước mắt gắn với những giải pháp căn cơ, lâu dài, bài toán không chỉ riêng của thành phố mà còn là của cả nước, của vĩ mô. Đó là những vấn đề liên quan đến các quy định về tiền lương, tiền công làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Là việc xây dựng mức lương tối thiểu sao cho có ý nghĩa thực tiễn, đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Là việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế)… Lao động giá rẻ giờ đây không còn là thế mạnh, không đảm bảo chuyển dịch nền kinh tế, không đảm bảo thu nhập, đời sống người lao động. Đã đến lúc phải tính đến đào tạo theo nhu cầu. Phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Phải làm tốt công tác dự báo về chủng loại (cơ cấu ngành nghề), chất lượng (trình độ, kỹ năng) nguồn nhân lực và tư vấn tốt cho những người trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Đối với TPHCM cần quan tâm làm tốt về quy hoạch, kế hoạch đầu tư. Không thể tiếp tục thu hút đầu tư những ngành nghề thâm dụng lao động. Nghiên cứu có những chính sách thu hút đầu tư những ngành nghề kỹ thuật cao, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, trong đó có 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp mũi nhọn và những ngành gắn với tái cấu trúc nền kinh tế. Các cơ sở đào tạo cũng gắn với nhu cầu, phục vụ sát sườn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cũng cần được quan tâm đầu tư đúng mức…

Việc làm và đời sống người lao động của thành phố và cả nước đang đặt ra những vấn đề cần có những giải pháp mang tính khả thi, đồng bộ và nhất quán.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục